Chương trình hành động của Bộ Tư pháp xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu nhằm cụ thể hóa định hướng, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chuong trình hành động gồm 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tập trung nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu với Quốc hội, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.
Cụ thể, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ nội dung về hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đề xuất đưa vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, chú trọng việc lấy ý kiến nhân dân, các nhà hoạt động thực tiễn và đối tượng chịu sự tác động của văn bản…
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện hiệu quả Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành thực hiện pháp điển các đề mục của Bộ pháp điển…
Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, tiếp tục giảm án tồn, đồng thời nâng cao tỷ lệ thi hành xong hoàn toàn về việc và về tiền, rút ngắn thời gian thi hành án. Theo đó, cần quán triệt, tổ chức triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, hành chính; hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này; tổ chức triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng trong Ngành Tư pháp và trong Hệ thống thi hành án dân sự…
Cùng với đó là các nhiệm vụ về tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp tục phát triển các dịch vụ pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tư pháp, khả năng tiếp cận công lý của người dân, doanh nghiệp; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp; Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật quốc tế, tăng cường vai trò của Bộ Tư pháp giúp Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế phát sinh từ quá trình hội nhập; chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; Tăng cường công tác xây dựng Bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Chương trình hành động đã xác định các giải pháp chủ yếu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành khẩn trương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình hành động, đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng và bao quát tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, trong đó cần nhấn mạnh một số lĩnh vực trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng vị trí công tác.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành, tăng cường công tác phối hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí hành chính gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường ứng dụng các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua - khen thưởng trong việc thực hiện Nghị quyết.
Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí của ngành trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận, phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh của các cơ quan, đơn vị trong Ngành trong việc tổ chức các hoạt động đi vào chiều sâu, thực chất.