Chiều nay (8/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại khoản 3 của Điều 30 quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ban hành Chương trình giáo dục phổ thông và các vấn đề liên quan đến đổi mới, chỉnh lý, căn chỉnh chương trình. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 88 của QH năm 2014 về đổi mới chương trình sách giáo khoa đã giao cho Chính phủ chỉ đạo, thực hiện và phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Do đó, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình như khoản 3, Điều 30 của dự thảo Luật mà nâng lên một cấp là giao cho Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị phải quy định rõ ràng và cụ thể hơn ngay trong Luật về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa để có cơ chế cho các cá nhân, tổ chức thực hiện.
Về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cũng nên nâng lên một cấp thẩm quyền, không giao cho Bộ GD&ĐT mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu, tổ chức hoạt động, các nội dung cơ bản nhất của Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông.
Kỷ luật học sinh- cần sự nhất quán
Liên quan đến những hành vi mà người học không được làm và kỷ luật học sinh ở quy định ở Điều 82 của dự thảo luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đây thực ra là một chế tài về mặt hành chính để áp dụng đối với các học sinh.
“Trong thời gian qua nổi lên một số vụ việc, nào bắt đứng, nào bắt quỳ, nào bắt uống nước lau bảng… các hình thức rất khác nhau. Tôi cho rằng một trong những lý do dẫn tới việc này là đến giờ chúng ta vẫn “khoán trắng” cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành dạng thông tư để áp dụng các hình thức kỷ luật đối với học sinh. Luật giáo dục có quy định về hành vi người học không được làm nhưng lại không quy định rõ về xử lý kỷ luật đối với học sinh nên lâu nay chúng ta làm không nhất quán, thậm chí không nhất quán giữa các trường với nhau, giữa các hành vi với nhau. Tôi đề nghị về mặt thể chế ta nên xử lý vấn đề này bằng cách quy định ngay tại luật một số những khung cơ bản, những điều kiện cơ bản nhất, những ràng buộc cơ bản nhất, những kỷ luật chính nhất để sau này làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các bộ khác có quản lý giáo dục ban hành thông tư”, Bộ trưởng Long đề nghị.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: "Luật giáo dục có quy định về hành vi người học không được làm nhưng lại không quy định rõ về xử lý kỷ luật đối với học sinh nên lâu nay chúng ta làm không nhất quán, thậm chí không nhất quán giữa các trường với nhau, giữa các hành vi với nhau" |
Về quản lý nhà nước về giáo dục được quy định tại các Điều 102, 103 của dự thảo luật, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, 2 điều này đã quy định tương đối rõ về quản lý nhà nước về giáo dục nhưng chưa rõ, chưa phân định được với quản trị tại các cơ sở giáo dục vì quản trị của các cơ sở giáo dục xét ở mặt nào đó mang tính doanh nghiệp nhiều hơn trong khi quản trị nhà nước mang tầm vĩ mô. Do vậy, cần có sự phân định, làm rõ đồng thời có quy định những nội dung cơ bản liên quan đến quản trị.
Về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị chọn ra những việc cơ bản và những việc lớn để giao cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ QH quyết định chứ không giao cho Chính phủ. “Cả 2 nhóm nội dung quy định tại Điều 102 và 103 đều là quyền và nghĩa vụ của học sinh, suy rộng ra là quyền con người, quyền công dân cho nên để phù hợp với nguyên tắc hiến định là những vấn đề về quyền và nghĩa vụ thì phải báo cáo QH quyết định”, Bộ trưởng Lê Thành Long Long nêu ý kiến.
Có nên xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa?
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị không nên xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa bởi nếu thực hiện xã hội hóa, vấn đề kiến thức, tính định hướng, tính thống nhất khó đảm bảo các mục tiêu đã đặt ra cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. “Mặc dù dự thảo Luật quy định chặt chẽ việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhưng việc xây dựng, biên soạn sách cần được thực hiện, quản lý bởi những cơ quan nhất định”, ĐB nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa trong giảng dạy dễ dẫn đến tình trạng trong một địa bàn, một tỉnh có nhiều trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, dẫn đến trình độ học sinh; sự hiểu biết, thống nhất khác nhau. Đối với quy định tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa, theo ĐB Được, quy định này không khả thi vì bản thân học sinh, cha mẹ học sinh cũng không có đầy đủ thông tin hay trình độ để lựa chọn