Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường sáng nay (6/11), ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) đề cập đến tình trạng ngành mía đường của hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nông dân không mặn mà với cây mía, nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An). |
“Có thể nói rằng là một số công ty cổ phần nhà máy đang bên bờ phá sản. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp để giúp cho ngành mía đường của chúng ta ổn định sản xuất và phát triển trong thời gian tới”, ĐB đặt câu hỏi.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xác nhận mía đường đang là một trong những ngành, hàng khó khăn của chúng ta hiện nay.
Theo Bộ trưởng Cường, một thời gian dài, chúng ta tập trung ngành này, cố gắng và đã đạt mục tiêu 1 triệu tấn đường.
Tuy nhiên, cho đến nay, tổng diện tích mía đường của Việt Nam vào khoảng 250.000 hecta. Với năng suất bình quân 66 tấn/1ha hiện nay, tổng sản lượng của chúng ta khoảng 17 triệu tấn mía đường.
Hàng năm, chúng ta dùng cho công nghiệp ép ra đường được khoảng 1,2 triệu tấn đến 1,3 triệu tấn, về cơ bản hoàn thành mục tiêu vượt mức.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cường, hiện có câu chuyện “cạnh tranh giá đường trên quốc tế rất khó khăn”. |
“Giá thành của chúng ta đang bị cao và xu hướng thị trường thế giới đang bị thừa đường nên gặp rất nhiều khó khăn, trước hết cho người nông dân. Giá mía mua hiện nay chỉ có 800 đến 900, rất bấp bênh. Như năm ngoái, Hậu Giang, Phú Yên và một số nơi rất khó khăn cho người nông dân”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường cho biết, nhà máy chế biến cũng gặp khó khăn vì giá thành đường cao quá, không bán được.
“Giá bán như thế là rất cao so với khu vực và trên thế giới. Dẫn đến, kể cả chuỗi đường từ người nông dân tham gia cho đến nhà máy và đến khâu phân phối đều gặp khó khăn”, ông nói.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT đã bàn với Hiệp hội mía đường và có một số nhóm giải pháp.
Một là, tập trung rà soát lại tất cả các khâu, riêng về khâu giống mục tiêu đưa ra là hệ thống giống ba cấp, cố gắng hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, trong 2 đến 3 năm phải phủ kín 100% diện tích để đẩy năng suất của cây mía không phải 66 tấn mà phải 80 tấn, thậm chí 100 tấn thì mới cạnh tranh được. Cùng với đó, cần cơ khí hóa một phần cơ bản ở những địa hình cho phép. Khâu thứ nhất về nguyên liệu chúng ta phải làm cho tốt.
Thứ hai, theo ông Cường, phải cơ cấu lại nhà máy đường. “Hiện nay, chúng ta có 41 nhà máy đường, với tổng trữ lượng xấp xỉ 2 triệu tấn. Đấy là về công suất nói chung nhưng hiện nay trong đó chỉ có 31 nhà máy có công suất 3.000 tấn/ngày, những nhà máy công suất này mới cạnh tranh được.
Những nhà máy có công suất là 6.000-8000 tấn/ngày rất ít, vì vậy chúng ta phải lọc và bản thân ngành mía đường cũng phải kiện toàn lại để đảm bảo có đủ những nhà máy có sức mạnh và có quy mô nhất định bằng cách hợp nhất, liên doanh hoặc gì đấy để đảm bảo cho đủ năng lực cạnh tranh về công suất”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Theo Trưởng ngành nông nghiệp, điểm thứ 3 rất quan trọng mà Bộ NN&PTNT đã bàn với Hiệp hội mía đường là chuỗi đường phải dài ra.
“Các nước trên thế giới có những nước chỉ chiếm 55% trong tổng chuỗi giá trị, còn đâu là các sản phẩm khác, chúng ta phải tận dụng rất tốt chỗ này”, ông nói.
Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay, ngoài sản phẩm đường ra chúng ta còn có các sản phẩm phụ, thứ nhất là 4 triệu tấn bã mía - một nguồn tài nguyên rất tốt mà chỉ đốt để phát điện, rất lãng phí. Thứ hai, chúng ta có khoảng 0,7 triệu tấn rỉ đường, cũng chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, chiếm 90%, rất lãng phí. Một loạt công nghệ sinh học ra được các sản phẩm cho giá trị rất cao nên phải tận dụng được chỗ này.
Thứ ba là bùn và xỉ trong quá trình xử lý đường công nghiệp này cũng khoảng nửa triệu tấn. “Như vậy, tập hợp ba nhóm sản phẩm phụ này nếu sử dụng tốt sẽ trở thành những sản phẩm có giá trị rất cao”, Bộ trưởng Cường nói.
Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, chỉ riêng 4 triệu tấn bã mía nếu áp dụng công nghệ tiên tiến về sản xuất nấm cũng đã cho một chuỗi giá trị rất dài.
Bên cạnh đó là chính sách quản lý của nhà nước. “Ví dụ ngăn chặn buôn lậu, ngăn chặn hàng bên ngoài tràn ngập vào, những giải pháp đồng bộ đó để cố gắng làm sao chúng ta giữ được ngành đường ở một quy mô tới hạn, phù hợp với yêu cầu của đất nước cũng như đảm bảo sinh kế cho người dân”, ông nói.