“Điểm sáng” công tác tư pháp vùng Tây Nam bộ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh công tác tư pháp và THADS của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp công tác chặt chẽ của các cấp, các ngành, qua đó không ngừng thể hiện tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào các thành tựu phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để công tác Tư pháp và công tác Thi hành án dân sự (THADS) của địa phương hoạt động tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tạo mọi điều kiện cho Sở Tư pháp thực hiện tốt vai trò Trưởng Khu vực thi đua Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017...
Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá, qua theo dõi nhận thấy công tác tư pháp và THADS An Giang đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, cơ bản bám sát chương trình hành động của Bộ, Ngành và phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số mặt có nhiều chuyển biến tích cực như: các nhiệm vụ truyền thống của Ngành được thực hiện nề nếp, hiệu quả; các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp được triển khai thực hiện kịp thời, giải quyết đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định. Đặc biệt, Ngành đã chủ động xin ý kiến, đề xuất với Bộ về các giải pháp giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch để đảm bảo quyền cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng cũng vui mừng khi lãnh đạo tỉnh An Giang rất tin tưởng giao Sở Tư pháp kiểm tra tính pháp lý của các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và tham gia vào các vấn đề thu hút đầu tư. Đồng thời, khá yên tâm khi nhiều năm liền tư pháp An Giang được các đơn vị thuộc Bộ xếp hạng A, là “điểm sáng” về công tác tư pháp khu vực Tây Nam bộ và cả nước; đặc biệt, năm 2015 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng Cờ thi đua ngành Tư pháp tiếp đó năm 2016 xếp thứ 02/63 tỉnh, thành trên cả nước. “Tư pháp An Giang có nhiều điểm sáng, đạt nhiều tiêu chí cao hoàn thánh tốt các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao” –Bộ trưởng nhận định.
Đối với công tác THADS, Bộ trưởng đánh giá An Giang là địa phương có số lượng việc và tiền phải thi hành hàng năm ở mức cao (về việc đứng thứ 15 toàn quốc, về tiền đứng thứ 7 toàn quốc). Đến nay, đã thi hành xong 71,8% về việc và 34,6% về tiền.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Cục THADS An Giang. |
Bên cạnh việc đánh giá cao những mặt đã làm được, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của địa phương trong công tác tư pháp và THADS. Đó là việc vẫn còn việc phải cung cấp cần bổ sung, đính chính thông tin lý lịch tư pháp, dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh trong việc bán đấu giá tài sản; trình độ trình độ chuyên môn luật của cán bộ hộ tịch một số nơi chưa đảm bảo; kết quả thi hành án về việc và tiền vẫn còn rất thấp và tình trạng nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp...
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Lê Thành Long chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, khối lượng công việc ngày càng nhiều nhưng biên chế lại giảm, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm soát, có giải pháp tháo gỡ, nâng cao tạo mọi điều kiện để công tác tư pháp và THADS địa phương hoạt động ngày càng tốt hơn. Cần tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đạo đức tốt.
Ghi nhận sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân, cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Đoàn, giúp địa phương hiểu sâu hơn về công tác tư pháp cũng như THADS. Mong Bộ trưởng quan tâm hơn nữa đến công tác Tư pháp và THADS địa phương, tạo mọi điều kiện kịp thời hướng dẫn trong công tác chuyên môn để cán bộ thực hiện tốt phần việc được giao, tránh những sai sót không đáng có bởi lực lượng ngày càng mỏng, công việc ngày càng nhiều.
Nhiều sáng kiến đổi mới hoạt động tư pháp
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp và Cục THADS tỉnh An Giang.
Báo cáo trước Đoàn công tác, ông Cao Thanh Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết, những năm gần đây, Tư pháp An Giang đã tập trung làm tốt vai trò đầu mối giúp Lãnh đạo tỉnh tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 lan tỏa sâu rộng trong nội bộ và ra dân; hoàn thành tốt việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ngành cũng làm tốt vai trò tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020. Đặc biệt, triển khai thực hiện khá đồng bộ Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 với điểm mới cơ bản là việc thẩm định đồng thời dự thảo nghị quyết của HĐND với việc góp ý dự thảo quyết định của UBND để thực thi nghị quyết nên rút ngắn nhiều thời gian và chủ động được nguồn lực; triển khai, tổ chức thực hiện kịp thời các văn bản QPPL trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đặc biệt là Luật Hộ tịch; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Đoàn công tác Bộ Tư pháp làm việc với Sở Tư pháp An Giang |
Sở cũng đã có sáng kiến trong tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định ban hành quy chế về quy trình đánh giá và bảng tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các sở, ban, ngành tỉnh... Sở cũng có sáng kiến trong việc tham mưu tổ chức Hội nghị công bố Bộ TTHC; tính chi phí thực hiện TTHC; niêm yết Bộ TTHC theo hình thức đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu; phương án cắt giảm thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, với việc thực hiện giải pháp “Kiềng ba chân” khá hiệu quả đã khắc phục tình trạng chậm trả kết quả lý lịch tư pháp cho công dân.
Ông Sơn cũng cho biết, hiện tại địa phương đã thành lập Trung tâm Pháp y; Hội Công chứng viên; các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư và đội ngũ công chứng viên, luật sư có bước phát triển, ngày một nâng cao về số lượng và chất lượng. Các hoạt động PBGDPL trên các phương tiện truyền thông có bước tăng cường và phát huy hiệu quả; phương thức PBGDPL có bước đổi mới như: tổ chức phiên tòa giả định, xây dựng tủ sách pháp luật điện tử; tổ chức Hội thi “Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi”, Hội thi “Thanh niên với văn hóa giao thông”... Về biên chế, theo ông Sơn hiện cũng gặp nhiều khó khăn tuy nhiên địa phương vẫn nỗ lực cố gắng để hoàn thành công việc được giao ‘tùy việc mà phân người” đồng thời tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Dân, Cục Trưởng Cục THADS tỉnh An Giang cho biết, tính đến tháng 25/9/2017 về việc tổng số đã thụ lý 17.319 việc, đã giải quyết xong hơn 9.548 việc; số tiền thi hành xong trong năm trên 535 tỷ đồng. Nhìn chung, lượng án thụ lý mới tăng và giá trị tài sản lớn. Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, giải quyết kịp thời, dứt điểm. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, đôn đốc công tác giải quyết án phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian lắng nghe và chia sẻ một số khó khăn của địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015; quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương; một số vấn đề liên quan đến Luật Hộ tịch, Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý... cũng như những vướng mắc khó khăn trong công tác THADS.
Bộ Trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã đến thăm và tặng quà lưu niệm cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. |
Nhân chuyến công tác, Bộ Trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã đến thăm và tặng quà lưu niệm cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.