Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng nay (1/11), Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề cập đến thông tin được nêu trong Báo cáo giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri, theo đó cho biết, trong năm 2017, số văn bản trái pháp luật do các Bộ, ngành, địa phương ban hành là 5.639 văn bản. Trong giai đoạn 1995-2015 có 90.000 văn bản trái pháp luật được ban hành.
“Xin Bộ trưởng cho biết trong số văn bản trái pháp luật trên thì có bao nhiêu văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội và của người dân?”, Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34, đối tượng kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Bộ trưởng cho tới Ủy ban nhân dân cấp xã có khoảng 23.000. Các cơ quan này có thẩm quyền trách nhiệm tự kiểm tra việc sai thẩm quyền.
Đối với Bộ Tư pháp, Bộ được giao kiểm tra văn bản của các Bộ, Cơ quan ngang bộ và chính quyền cấp tỉnh. Khi phát hiện văn bản ban hành trái pháp luật thì Bộ Tư pháp có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định cuối cùng.
Về kết quả kiểm tra văn bản năm 2017 được đại biểu Ma Thị Thúy đã đưa ra, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, trong phân tách số liệu của Bộ Tư pháp, trong số 5.639 văn bản sai thì có 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái về thẩm quyền ban hành, nội dung; số còn lại là về hình thức, từ ngữ.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết Bộ Tư pháp chỉ kiểm soát về độ chính xác của các thông tin và văn bản do mình kiểm tra.
Phân tích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, năm 2017, Bộ phát hiện 157 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền. Trong 157 văn bản này có 124 văn bản ở mức độ này hay mức độ khác có thể gây hậu quả đến tổ chức và cá nhân.
Về giải pháp giải quyết, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, trước mắt, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đưa vào nghị quyết của Chính phủ, đó là các địa phương phải khẩn trương tự rà soát, xử lý triệt để các văn bản trái pháp luật đồng thời giao cho Bộ Tư pháp thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành.
“Đến giờ, chúng tôi đã có kế hoạch đi kiểm tra ở 9 địa phương và 3 bộ, ngành”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp cũng đề xuất về trách nhiệm đối với văn bản là của người đứng đầu của ngành và địa phương; đồng thời thẩm định là của các cơ quan tư pháp tại các bộ ngành và địa phương.
“Vấn đề đặt ra là những người này không những phải phát hiện ra vấn đề mà cần phải thuyết phục để các ý kiến mình nêu được chấp nhận trước khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành”, ông nói.
Giải pháp thứ 2 được Bộ trưởng đề cập là cố gắng để hạn chế ra các văn bản quy phạm chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương.
Thứ 3, về phía Bộ Tư pháp, Bộ sẽ quyết liệt đôn đốc kiểm tra khi phát hiện ra rồi thì dứt khoát có kiến nghị, đeo bám để làm và có chỉnh lý sửa đổi, bổ sung cho kịp thời.