Giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ hôm qua (24/4), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dẫn nhiều Đề án mà Bộ đang chủ trì xây dựng thay vì các giải pháp cụ thể khiến nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ý chưa hài lòng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong phiên giải trình ngày hôm qua. |
Tai nạn giao thông: Do ý thức kém
Báo cáo trước Uỷ ban Pháp luật, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, trên cả nước xảy ra 49.518 vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông đường bộ làm chết 12.399 người, bị thương 54.192 người.
Về nguyên nhân của TNGT, theo Bộ trưởng Thăng, nhóm hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý nhiều nhất là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao; phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân 15%/năm vượt quá khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông.
Không đồng tình với việc đánh giá TNGT giảm, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển hỏi thẳng: “Một năm có 83 ngàn vụ vi phạm phải xử lý, 12-15% phương tiện tham gia giao thông bị xử lý. Số người chết, bị thương nhiều, một năm “nướng” hơn 1 Sư đoàn, làm bị thương 4 Sư đoàn nữa. Vi phạm không giảm, nguyên nhân nhiều, nhưng một nguyên nhân quan trọng là trách nhiệm quản lý của Bộ đến đâu để giảm tải tình trạng này”?.
Bộ trưởng Thăng cũng thẳng thắn khẳng định: “Bộ không né tránh, thực tế số liệu thống kê 3 năm gần đây và quý I/2012 TNGT đã giảm về số vụ dù số người chết vẫn còn lớn”.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đã thực hiện đồng loạt các giải pháp. Về lâu dài, tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vận tải, tăng cường chỉ đạo của cấp ủy Đảng; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông…
Còn các giải pháp cấp bách là tăng cường kiểm soát xử phạt vi phạm giao thông, nâng cao chất lượng đội ngũ xử phạt vi phạm, áp dụng công nghệ hiện đại trong kiểm định chất lượng phương tiện, hạn chế tối đa sự tham gia của con người vào quá trình kiểm tra…
Tăng mức phạt, tịch thu xe đua trái phép
Liên quan đến Nghị định 34/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ, đại biểu Hoàng Thanh Tùng “truy” Bộ trưởng Thăng: “Theo Nghị định, ta thực hiện thí điểm xử phạt cao trong vòng 3 năm, sau 3 năm có đánh giá, tổng kết. Vậy vì sao chưa hết thời hạn thí điểm, Bộ GTVT đã đề xuất mở rộng phạm vi, việc này đã có tống kết gì chưa, dựa trên căn cứ nào để có đề xuất này?”.
Thừa nhận chưa có tổng kết Nghị định 34/NĐ-CP nhưng Bộ trưởng Thăng khẳng định đã làm đúng quy trình theo thủ tục rút gọn, vì đây là những vấn đề bức xúc từ thực tiễn cần điều chỉnh kịp thời. “Trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật xử lý VPHC thì chúng tôi đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/CP” - Bộ trưởng Thăng nói rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên chỉ ra thực trạng ô tô “băm” nát đường và cho rằng, các biện pháp của Bộ GTVT chưa mấy hiệu quả. “Có giải pháp nào vừa tốn ít tiền vừa hiệu quả không?”- đại biểu Tiên hỏi. “Chúng tôi có đề nghị dừng hẳn việc cơi nới, hoán cải xe; đồng thời, đã có đánh giá hiệu quả việc thực hiện hai trạm cân thí điểm tại Quảng Ninh và Đồng Nai, từ đấy chúng tôi đề xuất xây dựng thêm 32 trạm cân xe trên các tuyến Quốc lộ. Chúng tôi hy vọng với giải pháp đồng bộ như vậy sẽ kiểm soát được xe quá tải lưu thông trên đường” - Bộ trưởng Thăng nói.
“Mức phạt vi phạm hành chính hiện nay không đủ mạnh”, đại biểu Dương Trung Quốc cũng tỏ ý đồng tình khi Bộ trưởng Thăng trả lời các câu hỏi về mức phạt VPHC và đề xuất: “Xe quá tải làm hỏng hàng chục km đường mà phạt như hiện nay thì chưa nghiêm. Tại sao ta tịch thu xe đua trái phép mà xe tải vi phạm lại không tịch thu?”. Đề xuất được coi là rất táo bạo của ĐB Dương Trung Quốc đã được Bộ trưởng Thăng nhiều lần ghi nhận.
Cũng tại phiên điều trần, Bộ trưởng GTVT đề nghị những giải pháp bổ sung như: Quy định tịch thu và sung công đối với các trường hợp nguy hiểm cho xã hội như đua xe trái phép (không phân biệt chủ sở hữu) vì đối tượng đua xe phần lớn là thanh niên, người chưa đủ 18 tuổi, xe sử dụng không có giấy đăng ký, mang tên người khác; Quy định tạm giữ phương tiện đối với người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
Cùng tham gia giải trình với Bộ trưởng Đinh La Thăng còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) Đỗ Đình Nghị.
Trước một số ý kiến không đồng tình về việc để lại khoản tiền xử phạt cho các lượng lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông, bà Minh cho rằng, lực lượng thi hành công vụ (đặc biệt là cảnh sát giao thông) rất vất vả, lại cần trang thiết bị cho công việc nên việc để lại tiền phạt là cần thiết. Bà Minh cũng khẳng định “làm đúng theo quy định của Luật Ngân sách”.
Giải thích thêm về việc tồn đọng các phương tiện vi phạm, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cho rằng, hiện nay quy định của pháp luật quá chặt chẽ nên việc trả; lưu giữ, bán đấu giá… phương tiện vi phạm rất khó khăn. Hoàn thiện quy định của pháp luật theo hướng thông thoáng hơn để xử lý các phương tiện này là giải pháp ông Nghị cho là hữu hiệu…
Tăng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông
Luật gia Trần Ngọc Bình, Chuyên viên Trung tâm Tư vấn Pháp luật Thăng Long (thuộc Hội Luật Gia Việt Nam) đánh giá cao về Phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày hôm qua khi có nhiều cải tiến, đổi mới cả về nội dung và hình thức; trong đó, nội dung chất vấn đã đề cập được những vấn đề bức xúc, nóng hổi của cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri; các vị đại biểu cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình. “Nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông là tương đối trọng tâm, đi vào những vấn đề mà người dân đang quan tâm. Bộ trưởng trả lời như vậy là đúng, một mình Bộ trưởng không thể chống ùn tắc được mà đó là nhiệm vụ của toàn xã hội. Để chống ùn tắc giao thông cũng như hạn chế các vụ tai nạn giao thông xảy ra, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông trong quần chúng nhân dân; nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt công tác giao thông ở các địa phương...” Luật gia Bình nhấn mạnh: “Pháp luật là hướng dẫn hành vi xử sự, song nó được bảo đảm, thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước”. |
Thu Hằng