Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thi hành án dân sự là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng. THA phụ thuộc nhiều khâu từ việc thẩm định giá cho vay của các ngân hàng, việc phong tỏa kê biên tài sản của cơ quan điều tra, việc của cơ quan kiểm sát, rồi tính khả thi của bản án cũng như sự chủ động trách nhiệm của anh em thi ành án.
"Cho nên việc chậm THA là có và tính khách quan, trong đó có cả khâu xét xử tuyên các bản án dẫn đến khó thi hành”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định.
Người đứng đầu ngành Tư pháp cũng cho biết, theo số liệu của Bộ Tư pháp, hiện tại có 291 bản án mà cơ quan THA và đương sự cho rằng bản án tuyên không rõ, khó thi hành, tương đương 300 quyết định THA với số tiền 330 tỷ.
“Tôi chưa tách oan sai trong số này bao nhiêu nhưng có việc này”, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin.
Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc, án có hiệu lực cơ quan THA phải thi hành. Nhưng trong quá trình tổ chức thi hành, cơ quan THA phát hiện có điểm không khả thi thì sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, Tòa án và Viện kiểm sát.
“Bản thân các cơ quan này cũng muốn xem xét kháng nghị các bản án khó thi hành. Cũng vì vậy đương sự cho rằng có oan sai nên chống đối quyết liệt chính vì vậy các địa phương chưa sẵn sàng trong công tác phối hợp”, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu thực tế và dẫn ví dụ như vụ Công ty Trần Phú tại Bà Rịa - Vũng Tàu hay vụ Lý Thục Anh (Cà Mau) là những vụ điển hình.
Về giải pháp, trong thời gian tới, người đứng đầu Bộ Tư pháp cho biết, điểm đầu tiên trong khâu xét xử cần đảm bảo tính khả thi.
Thứ 2 là cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan THA với Tòa án và Viện kiểm sát, giải thích, làm rõ những vụ án chưa rõ.
Đặc biệt, cần tuyên truyền thuyết phục các bên thi hành. Về vấn đề này, theo Bộ trưởng, cơ quan THA sẽ cử các chấp hành viên có trình độ cao nhất cùng với Tổng cục THADS vào cuộc. “Bộ Tư pháp cũng bàn với các địa phương vào cuộc thuyết phục các bên liên quan xử lý vụ việc này”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.