Vận động người dân định cư, xoá đói, giảm nghèo, xóa hủ tục và giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội luôn được Bộ đội biên phòng Lai Châu coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giữ vững an ninh biên giới…
|
Bộ đội Biên phòng giúp người dân thu hoạch lúa. |
Giúp người dân no bụng
Thượng tá Vũ Quang Mạo – Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Biên Phòng tỉnh Lai Châu - giới thiệu, Bộ đội biên phòng Lai Châu làm nhiệm vụ trên địa bàn có 273 km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc; quản lý 21 xã biên giới với hơn 1,3 vạn dân thuộc 10 dân tộc anh em; địa hình phức tạp, giao thông trở ngại; cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn; tỷ lệ đói nghèo và mù chữ trong nhân dân cao, đơn cử như đồng bào dân tộc La Hủ, tỷ lệ nghèo đói còn 85-90%; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ trên 80%.
Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật và một số hoạt động tội phạm, như buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tàng trữ vũ khí... diễn biến rất phức tạp. Đó là chưa kể việc các thế lực xấu ra sức lôi kéo, kích động nhằm tạo ra nhân tố mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trước thực tế đó, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu đã xác định, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện là một giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả công tác biên phòng. Trong đó, tập trung trước hết vào việc xoá đói, giảm nghèo; củng cố cơ sở chính trị-xã hội…
Thượng tá Mạo điểm lại “trong 5 năm qua, Bộ đội biên phòng tỉnh đã huy động hơn 10 vạn ngày công giúp dân phát triển KT-XH, giúp đỡ dân làm 168 ngôi nhà, tu sửa 52,7 km đường giao thông, khai hoang 19 ha ruộng nước; vận động hàng trăm hộ đồng bào định canh, định cư; tham gia chữa cháy hàng trăm ha rừng; di chuyển 118 hộ dân các xã Nạm Ban, Tông Qua Lìu, Pa Vệ Sử… ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở núi...
Đặc biệt, Bộ đội biên phòng đã tham gia xây dựng trên 50 căn nhà Đại đoàn kết, khởi công xây dựng 11 công trình dân sinh, gồm: lớp học, nhà mẫu giáo, nhà ở giáo viên, nhà văn hoá…”. Địa bàn mỗi xã có những điều kiện đặc thù khác nhau nên nhiều đồn biên phòng đã triển khai các mô hình làm kinh tế rất hiệu quả như: nuôi dê cao sản tại gia đình ở xã Sin Suối Hồ; thâm canh ngô lai vụ đông và trồng cây đậu tương tại xã Ma Ly Pho; thâm canh lúa nước 2 vụ ở các xã Sì Lờ Lẩu và Nậm Xe; trồng cây thảo quả ở xã Thu Lũm; nuôi cá hồi ở xã Pa Vây Sử…
Song song với các hoạt động này, nhiều chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội mà BĐBP phối hợp với các cơ quan, đơn vị vẫn đã và đang phát huy hiệu quả đối với đời sống của đồng bào như: Phòng khám quân-dân y kết hợp; mô hình bán trú, dân nuôi; Phong trào làm nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo; Hoạt động đưa thông tin về cơ sở…
Đẩy lùi ma túy
Để giúp dân giảm nghèo bền vững thì công tác cai nghiện cho đồng bào cũng được Bộ đội biên phòng Lai Châu đặc biệt quan tâm, khi hơn 400 người được Bộ đội biên phòng Lai Châu thực hiện cai nghiện trong 3 năm gần đây.
|
Thượng tá Phạm Văn HảiTrưởng phòng Phòng chống tội phạm về ma túy Bộ Chỉ huy Biên phòng Lai Châu |
Thượng tá Phạm Văn Hải- Trưởng phòng Phòng Chống tội phạm về ma túy- Bộ Chỉ huy Biên phòng Lai Châu cho biết, năm 2011, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân phá nhổ 2.550 m2 cây thuốc phiện, vận động và tổ chức cai nghiện cho 100 đối tượng nghiện ma túy ở các xã biên giới.
Theo thượng tá Hải, khoảng 30 ngày cai, người tham gia cai nghiện được trở về địa phương nhưng vẫn nằm trong diện theo dõi thường xuyến của bộ đội biên phòng. Trong khi đó, tại địa bàn, lực lượng BĐBP đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình “Xã không có ma tuý” hay phát động phong trào “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người nghiện”… để phòng ngừa hiện tượng mắc nghiện mới hoặc chống tái nghiện cho những người đã tham gia cai nghiện…
Những việc làm trên của Bộ đội biên phòng Lai Châu đã củng cố lòng tin của đồng bào, thiết thực động viên nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội trên địa bàn, góp phân giữ vững an ninh biên giới…
Khoa Lâm