Báo PLVN số 256 (13/9) có bà phản ánh việc anh Phạm Văn Trọng (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) bị bố đẻ dẫn người đến dỡ nhà. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội “Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng Công an huyện Mỹ Đức không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng, “chỉ tháo dỡ nhà chứ không đập phá”. Mới đây, VKSND huyện Mỹ Đức cũng có văn bản đồng ý với quan điểm này…
Thay toà, “phán” tranh chấp đất
Có thể nói, việc VKSND huyện Mỹ Đức “giữ nguyên quan điểm tại Thông báo của công an huyện” không gây bất ngờ bởi việc Thượng tá Lê Xuân Văn - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Đức trả lời phóng viên rằng: “Trước khi có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, chúng tôi đã họp 3 ngành (Công an, Kiểm sát, Toà án- Pv) để đánh giá tài liệu và cùng thống nhất là không có dấu hiệu hình sự trong vụ ông Trọng bị dỡ nhà”.
Chưa đề cập đến nội dung vụ việc, chỉ qua việc “họp án” trên, có thể đoán trước được việc anh Trọng sẽ nhận được hồi âm như thế nào nếu cứ kêu cứu ở các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. Qua việc này, người ta còn thấy rõ các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Mỹ Đức đã “độc lập” ra sao trong quá trình đánh giá tài liệu và giải quyết vụ việc này.
Như vậy, 2 cơ quan trên đều biết rõ, chỉ có Toà án mới có quyền phán quyết ai sẽ là người được quyền sử dụng thửa đất đang tranh chấp; mẹ anh Trọng cho chị Thơm đất có hợp pháp hay không?. Vợ chồng anh Trọng được thừa kế quyền sử dụng đất như thế nào? Thế nhưng, Cơ quan CSĐT lại “làm thay” toà án, có ngay kết luận rằng “việc mẹ anh Trọng cho vợ anh Trọng đất là không đúng pháp luật” để có ý cho rằng, ông Thông có quyền đòi đất do vợ đã cho con trai, con dâu.
Về việc dùng “luật nhà” dỡ nhà, lấy đất trên, LS Dương Kim Sơn - Công ty Luật TNHH TGT và Cộng sự- cho rằng, chưa thể khẳng định yêu cầu đòi đất của ông Thông sẽ được Toà chấp nhận. Và giả sử có được sử dụng đất, thì ông Thông còn phải đền bù tài sản cho anh Trọng vì nhà anh Trọng được xây hợp pháp trên đất được cấp Giấy CNQSDĐ, không gặp bất kỳ phản đối nào…
“Nhà không mái” có còn là nhà?
Một nội dung quan trọng khác được CQĐT và VKS nêu ra để không khởi tố vụ án là “ông Thông tháo dỡ mái nhà, xếp gọn vật liệu, không đập phá, không mất mát tài sản”. Tuy nhiên, cho đến nay thì 2 cơ quan này vẫn chưa tiến hành trưng cầu giám định xem ngôi nhà trên đã giảm giá trị bao nhiêu sau khi bị “tháo dỡ mái và xếp gọn vật liệu”, hoặc ít nhất cũng cần phải xác định để khôi phục hiện trạng ngôi nhà như cũ, sẽ mất bao nhiêu tiền?. Điều quan trọng nhất trong một vụ làm huỷ hoại, hư hỏng tài sản là giám định thiệt hại, tại sao Cơ quan CSĐT đã không thực hiện? Và VKS cũng bỏ qua điều này để rồi vẫn cho rằng “không khởi tố” là có căn cứ?.
Liên quan đến nội dung này, Ls Sơn cho rằng:“Nhà không còn mái đồng nghĩa với việc ngôi nhà đã mất giá trị sử dụng, bị hư hỏng. Tuy vật liệu vẫn còn nhưng trong vụ việc này, phải coi ngôi nhà là tài sản chứ không thể coi từng vật liệu riêng lẻ là tài sản. Dù là bố con thì anh Trọng và bố đã độc lập với nhau về tài chính. Pháp luật không phân biệt quan hệ bố - con nên đã có đủ dấu hiệu của vụ “hủy hoại tài sản”. Ngoài ra, phải điều tra, xác minh về mục đích chiếm đất đằng sau vụ dỡ nhà này”.
Nếu đúng như quan điểm của LS Sơn, vụ việc này cũng không hề đơn giản vì ngôi nhà hiện bị hư hỏng khá nặng. Hơn nữa, không thể loại trừ đây là vụ việc được tổ chức khá bài bản. Vì theo thừa nhận của VKSND huyện Mỹ Đức, việc dỡ nhà ở đây còn “có sự bàn bạc và tổ chức của nhiều con cháu” .
Anh Trọng vẫn đang khiếu nại việc “không khởi tố” trên đây tới Công an TP Hà Nội. Về vấn đề này, Thượng tá Văn cho hay, việc khiếu nại tiếp là quyền của ông Trọng. Nếu cấp trên nhận định, vụ việc có dấu hiệu hình sự, cần khởi tố vụ án thì chúng tôi sẽ chấp hành.
Việc không khởi tố là đúng hay đã để lọt tội phạm? chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Cty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự về vấn đề này: - Thưa ông, đây có phải là vụ án phức tạp hay không mà các cơ quan tố tụng phải “họp án” để giải quyết? Hai bên có xung đột về quyền lợi là cha, con với nhau. Nếu khởi tố vụ án, có lẽ họ sẽ không bao giờ hàn gắn được mâu thuẫn gia đình. Cũng có thể là bi kịch nếu như xử lý người hủy hoại tài sản bằng một bản án tù. - Nhưng, theo quy định thì đã có cơ sở để xác định hành vi dỡ nhà trên là hành vi hủy hoại tài sản chưa, thưa ông? - Theo Điều 143 Bộ luật Hình sự thì hành vi làm hư hỏng tài sản một cách cố ý như trên có dấu hiệu của tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Về tài sản, đây là một căn nhà nên nó chỉ có giá trị khi có thể sử dụng để ở được. Nếu bị phá dỡ, kể cả khi dỡ không làm hỏng vật liệu thì cũng đã làm hỏng căn nhà. Do vậy, không thể nói đây không phải là hành vi “hủy hoại tài sản”. Nếu căn cứ các quy định của pháp luật thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự hành vi phá dỡ nhà trên về tội danh quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự. Để làm rõ căn cứ xử lý, theo điều luật này, buộc phải giám định thiệt hại của chủ sở hữu vì tội danh này có quy định mức thiệt hại làm cơ sở khởi tố vụ án. - Nếu khởi tố thì kết cục sẽ không tốt đẹp cho quan hệ cha con nhưng nếu không khởi tố thì pháp luật bị coi thường, theo ông, giải pháp nào tốt nhất để giải quyết việc này? - Không khó để xử lý tình huống này theo cách “vẹn cả đôi đường”. Theo tôi, các cơ quan chức năng vẫn phải thụ lý giải quyết vụ việc theo quy định chung của pháp luật. Trong quá trình giải quyết, tạo điều kiện để bên gây thiệt hại khắc phục hậu quả, bồi thường cho bên bị thiệt hại. Trên cơ sở khắc phục hậu quả này, các cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho người gây thiệt hại. Như thế, pháp luật được thực thi mà quan hệ cha con không xấu đi nữa. - Xin cảm ơn ông! Xuân Bính (thực hiện)
- Tôi cho rằng, về tình tiết thì đây không phải là một vụ việc phức tạp vì các chứng cứ “lộ thiên” dễ thu thập và đánh giá. Có lẽ, sự phức tạp chính là mối quan hệ giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại nên các cơ quan trên mới phải thống nhất biện pháp giải quyết.