Theo Kế hoạch Nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Định đã tập trung xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến đồng bộ, thực chất trên các tiêu chí của Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Hội nghị công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh Bình Định |
Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số PAR INDEX của địa phương đạt từ 90% trở lên, nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Đồng thời, Chỉ số SIPAS cũng đạt từ 90% trở lên; Chỉ số khảo sát đại biểu Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các Sở, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt từ 80% trở lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị lãnh đạo các Sở, ngành địa phương tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ và đúng quy định trên các lĩnh vực theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; các văn bản quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Thực hiện đầy đủ các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. 100% các vấn đề phát hiện qua kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật được xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Đồng thời, Bình Định xây dựng, triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. 100% các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và 100% số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức.
Hàng năm, phấn đấu có ít nhất 3 sáng kiến hoặc giải pháp mới về công tác cải cách hành chính được Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt hoặc được Trung ương cho phép thí điểm trên địa bàn tỉnh; tổ chức ít nhất 2 Hội nghị đối thoại/diễn đàn giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh (100% các đề xuất, kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư được được giải quyết).
Từ tháng 4 đến tháng 11/2023, tỉnh Bình Định sẽ tiến hành kiểm tra việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Công tác chỉ đạo, điều hành (việc xây dựng và tình hình thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; việc khắc phục những tồn tại, hạn chế qua đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); chỉ số đo lường sự hài lòng của tổ chức, người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương (DDCI)); cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đối tượng kiểm tra là các cơ quan thuộc UBND tỉnh gồm Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng. Các đơn vị sự nghiệp công lập: Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Cao đẳng Y tế. UBND cấp huyện và UBND cấp xã trực thuộc các địa phương: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Lão.