Người phụ nữ này đã dùng dao ăn cắt đầu một con chuột bạch, quay phim toàn cảnh cắt đầu con vật bất hạnh và sau đó đưa lên mạng Facebook toàn bộ quá trình ấy và 40 giây dãy chết của con vật. Trong bộ luật hình sự của Australia không có điều khoản nào quy định các khung hình phạt đối với những hành vi như vậy. Lập luận kết án của toà nhằm vào tính tàn ác của hành động và không phải không có lý trong chừng mực nhất định.
Vô nhân đạo đã từ lâu không còn chỉ áp dụng trong ứng xử và hành vi giữa con người với nhau, mà còn đã được nhìn nhận và vận dụng trong mối quan hệ giữa con người và con vật. Tàn ác đến như thế không thể không bị coi là một tội ác và bất cứ tội ác nào cũng là tội lỗi phải bị pháp luật trừng phạt.
Cứ theo cách lý giải này của toà án kia thì con người và con vật tuy không bình đẳng nhau, nhưng lại cùng trong môi trường pháp lý nên con người không phải muốn đối xử với con vật như thế nào cũng được. Tính tàn bạo gốc rễ từ bản chất và động cơ của hành động tàn ác chứ không phải từ đối tượng chịu đựng sự tàn bạo và tàn ác đó.
Cuộc tranh luận ở Australia không phải không xoay quanh khía cạnh ấy, nhưng dường như để ý nhiều hơn đến cảm nhận chung là toà án đề cao vị thế của con vật trong quan hệ với con người, đến chuyện có đạo đức thật hay đạo đức giả trong đối xử con vật, đại loại như ăn thịt con vật thì không sao, nhưng bạo hành với chúng thì sẽ lâm vào vòng lao lý.
Mức độ của bản án cho thấy toà án này cũng có cái khó xử riêng: không kết tội thì không ổn mà có kết tội kiểu gì thì cũng dở nên mới có bản án phạt chẳng ra phạt, tha chẳng phải tha như thế. Thế giới tư pháp có thêm trường hợp tiền lệ mới, các nhà lập pháp có thêm ý tưởng mới và trong mối quan hệ giữa con người và con vật có thêm quy tắc ứng xử mới.
Thiên Lang