Ngày 11/3, trong phần tự bào chữa cho mình tại phiên tòa xét xử sai phạm tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) bức xúc vì bản cáo trạng chỗ nào cũng quy kết tù tội, tiền bồi thường cho bị cáo.
"Trong tên bị cáo có chữ La và Thăng là nốt nhạc thật nhưng không phải bản nhạc nào cũng chỉ có La, Thăng. Cáo trạng chỗ nào cũng nhắc đến Đinh La Thăng chỉ đạo, nhưng đây là bản cáo trạng chứ không phải bản nhạc. Các cụ nói rồi, lời nói đọi máu và cáo trạng mỗi từ mỗi câu đều là tù tội, là tiền bồi thường”, bị cáo Đinh La Thăng gay gắt.
Sau đó, bị cáo Thăng đề nghị HĐXX cho mình được phản hồi về lời khai của một số bị cáo trong phần xét hỏi trước đó, bao gồm bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí – PVC).
Theo đó, bị cáo Thanh khai rằng ngay từ đầu đã khẳng định không thể thực hiện dự án với mức giá 59 triệu USD, nhưng vì sức ép từ PVN nên PVC buộc phải nhận.
Trong đó, bị cáo Thăng khá gay gắt khi nói tới lời khai của bị cáo Thanh về việc ngay từ đầu khẳng định không thể thực hiện dự án với mức giá 59 triệu USD, nhưng vì sức ép từ PVN nên PVC buộc phải nhận.
Cựu chủ tịch PVN cho rằng, mức giá đưa ra thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư (Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí – PVB), PVC đồng ý tham gia dự án là sự tự nguyện.
Cựu chủ tịch PVN nhấn mạnh, bản thân chỉ đạo rõ nếu 2 bên đồng ý thì làm, không thì thôi, trong trường hợp PVC và PVB không thống nhất được với nhau về giá thì chọn nhà thầu khác. Việc bị cáo Thanh nói nếu không có chỉ đạo của PVN thì sẽ không làm dự án là không đúng, "tự tát vào mặt mình".
Đồng thời, bị cáo Thăng cũng không đồng tình với lời khai của bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng giám đốc PVB) về việc chịu sức ép từ mình trong việc chỉ định thầu cho liên danh PVC. "Tôi không trực tiếp chỉ đạo, gọi điện hay bắt buộc PVB phải chỉ định thầu cho PVC", bị cáo nói.
Theo cáo trạng, năm 2007, ông Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty CP Hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.
Tháng 9/2008, PVB mời sơ tuyển gói thầu TK05 "Chìa khoá trao tay" xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ. Trong 6 nhà thầu gửi hồ sơ có Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, do Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thành lập, do PVC không đáp ứng đủ yêu cầu.
CECO sau đó đánh giá cả 6 nhà thầu chưa đạt 100% tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm. Trong đó, liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các tiêu chí về năng lực kỹ thuật, tư vấn thiết kế, xây dựng; báo cáo tài chính năm 2006 thể hiện PVC đang thua lỗ.
Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Quá trình thực hiện hợp đồng không đúng tiến độ, PVC có báo cáo thừa nhận không đủ năng lực. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Thực hiện dự án, PVB vay ngân hàng và Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam hơn 750 tỷ đồng. Từ ngày triển khai dự án (tháng 9/2009) đến khi khởi tố vụ án (tháng 6/2018), PVB đã thanh toán cho PVC hơn 600 tỷ đồng, Alfa Laval hơn 230 tỷ đồng. Chủ đầu tư sử dụng hơn 1.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, quyết liệt định hướng giao thầu cho PVC như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu. Cựu chủ tịch PVC này còn chủ trì cuộc họp HĐQT và ban Tổng giám đốc PVC đồng ý thực hiện gói thầu; ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu.
Hành vi làm trái các quy định của Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, ông Thăng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác.