Trao sinh kế bền vững
Tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, anh Nguyễn Văn Canh, thôn Tân Tiến, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi bò thịt. Năm 2020, anh Canh được các tổ chức hội, đoàn thể của xã đã hướng dẫn vay vốn hộ cận nghèo từ NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng. Từ đồng vốn vay cộng với sự giúp đỡ của người thân, anh Canh đầu tư mua bò thịt về chăn nuôi.
Được sự động viên của Hội nông dân, anh Canh còn sắp xếp thời gian tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để sản xuất được hiệu quả. Hiện nay, gia đình anh Canh đã phát triển đàn bò thịt lên 50 con. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Canh thu nhập được 250-300 triệu đồng từ đàn bò, kinh tế gia đình từng bước ổn định.
Cán bộ NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc giúp người dân làm thủ tục vay vốn. |
Không chỉ gia đình anh Canh, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh Hoàng Văn Lâm, ở thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo đã trở thành một trong những hộ tiêu biểu, đi đầu phát triển kinh tế theo mô hình trang trại.
Trước đây, gia đình anh Lâm chỉ làm ruộng, thu nhập chỉ ở mức đủ ăn. Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2016, anh Lâm vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số qua NHCSXH huyện Tam Đảo để đầu tư phát triển chăn nuôi và gia cố chuồng trại.
Hiện nay, mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lâm ngày càng được mở rộng về quy mô, diện tích với 200 lợn thương phẩm, hàng trăm gà thả vườn và 70 cây vải, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Lâm thu lãi 400 triệu đồng.
Ông Tạ Xuân Đàn - Giám đốc NHCSXH huyện Tam Đảo cho biết, trong những năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Tam Đảo đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số, từ mặc cảm, tự ti, không dám vay vốn, nay đã mạnh dạn vay vốn và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Các chương trình tín dụng chính sách với nhiều ưu đãi đã giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa... góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân.
Tính đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn huyện Tam Đảo đã có hơn 9.700 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn với tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội đạt hơn 651 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,78%; hộ cận nghèo giảm còn 3,56%.
Kịp thời, đúng đối tượng
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Ông Tạ Ngọc Thảo - Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, nguồn vốn cho vay của NHCSXH được chuyển tải phủ khắp đến 136/136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Thông qua hoạt động của Tổ giao dịch tại điểm giao dịch xã, đã hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi, kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng phù hợp nhu cầu vốn.
Tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 4.554 tỷ đồng, tăng 150,5% so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương cấp hơn 2.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 62,05% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất là 786,8 tỷ đồng, chiếm 17,28% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 941,2 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng nguồn vốn.
Việc triển khai các nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 248.319 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, với doanh số cho vay đạt trên 8.830 tỷ đồng.
Nguồn vốn đã giúp 26.648 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 64.119 lao động, 114 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 3.426 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ 727 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, 65 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời, nguồn vốn cũng đã hỗ trợ xây dựng hơn 243.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 261 ngôi nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 578 căn nhà ở xã hội cho đối tượng người thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội…
Để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện ở địa phương.
Đồng thời, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, tình hình sử dụng vốn của người vay, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, ngăn ngừa tiêu cực góp phần hạn chế tín dụng đen ở nông thôn./.