Mất tiền mua nỗi lo ngại
Anh Nguyễn Trung Hiếu là khách hàng dự án Binh đoàn 12 do Công ty Bất động sản Thế Kỷ (từng là công ty con trực thuộc Tập đoàn Cengroup) làm chủ đầu tư thứ cấp. Góp 500 triệu đồng để mua nhà, sau 3 năm dự án không chuyển động, khi đòi lại phần vốn đã góp, anh được thỏa thuận mua lại hợp đồng góp vốn với giá trị 80% số tiền anh đã nộp, tức là, nếu muốn lấy lại tiền, anh sẽ phải mất không 20% tiền đã góp vào dự án. Thế nhưng, người mua lại hợp đồng của anh, đồng thời cũng là một lãnh đạo của Cengroup, không giữ đúng cam kết, khiến anh phải đi đi lại lại nhiều lần tới tận trụ sở của Tập đoàn Cengroup để đòi tiền.
“Mỗi lần tôi đến công ty để đòi tiền, nhiều thanh niên đầu trọc, xăm trổ đứng nhìn trừng trừng, dù họ chưa có hành động xâm hại tính mạng nhưng nhìn cách họ cư xử như uy hiếp tinh thần của khách hàng — anh Hiếu chia sẻ - Để có được vài trăm triệu đồng, chúng tôi đã phải tích cóp nhiều năm những mong có được căn nhà để ở. Vậy mà, chúng tôi bị chiếm dụng vốn 3 năm nay, rồi phải chịu mất một phần tiền không nhỏ, thế mà còn bị đối xử thế này. Chắc chắn, tôi và bạn bè, người thân sẽ không bao giờ mua nhà của Cengroup nữa”.
Khách hàng này đã bị đánh chảy máu khi yêu cầu được đối thoại với chủ đầu tư Dự án Đại Thanh |
Trước sự việc này ít ngày, tại khu vực Sàn giao dịch Mường Thanh, khách hàng của dự án Khu đô thị Đại Thanh khi tập trung đến đề nghị đối thoại với chủ đầu tư về những tranh chấp liên quan đến dự án cũng đã bị hành hung phải nhập viện bởi những người tự xưng là an ninh của Sàn giao dịch Mường Thanh. Thậm chí, một phóng viên có mặt cũng bị một số người trong nhóm này giật máy ảnh, trấn áp tinh thần…
Báo động về văn hóa doanh nghiệp
Trước đây, liên quan đến giải phóng mặt bằng, nhiều người dân trong khu vực dự án đã từng phàn nàn với phóng viên về tình trạng “bị dọn sạch” bởi những người lạ dữ dằn chỉ trong một buổi tối. Tình trạng đó thảng hoặc mới chỉ xảy ra và người dân cũng không lưu lại nhiều chứng cứ.
Thế nhưng, thời gian gần đây, ngay trong bối cảnh niềm tin của khách hàng vào chủ đầu tư đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những chiêu trò “bẩn” mà khách hàng phải đối mặt càng làm cho một chút niềm tin còn lại của khách hàng dành cho chủ đầu tư lung lay, và những đồn thổi về việc chủ đầu tư sử dụng “lực lượng bên ngoài” trong quan hệ với khách hàng ngày càng lộ diện rõ ràng hơn.
Nói về việc khách hàng bị đe dọa, trấn áp tinh thần để không dám đấu tranh, Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc) cho rằng, hành vi doanh nghiệp do không xử lý được những vướng mắc với khách hàng nên đã sử dụng “xã hội đen” để trấn áp khách hàng, nếu có, là hành vi đáng lên án và các cơ quan chức năng cần lưu tâm xử lý. Theo ông Bình, cần phải xem lại đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
“Trước hết, phải xem xét tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư là gì? Nếu các bên không thể giải quyết được thì phải đưa ra tòa án - ông Bình nói - Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp không sử dụng hệ thống pháp luật mà lại đối xử với khách hàng bằng các biện pháp tiêu cực là điều cần phê phán. Hai nữa, đây là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự, trước hết mang dấu hiệu của việc gây rối trật tự công cộng”.
Cho đến nay, chưa có kết luận cuối cùng nào cho những sự việc xảy ra ở trên, và vì thế, biện pháp đối phó mà khách hàng có thể chủ động lựa chọn duy nhất vẫn chỉ là tẩy chay, tránh xa các chủ đầu tư có văn hóa kinh doanh kém.