Ngày 17/9, liên quan tới thông tin cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) đang trốn ở Đức có thể gây khó khăn cho công tác bắt giữ, dẫn độ, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) thừa nhận, sẽ gặp những khó khăn nhất định nếu ông Thanh trốn ở nước này.
Không hề đơn giản
Thiếu tướng Trần Thế Quân phân tích: “Để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia. Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên”.
Trả lời câu hỏi giả sử ông Trịnh Xuân Thanh có thể trốn sang Đức, Canada hoặc một vài quốc gia khác không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp thì có thể truy bắt được không, Thiếu tướng Quân cho rằng nếu đúng ông Thanh đang trốn ở Đức hay Canada thì việc xử lý không hề đơn giản. Quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài.
Trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể. “Dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì trong thực tế, nhiều quốc gia không dễ dàng dẫn độ được tội phạm từ Canada về nước” - Thiếu tướng Quân dẫn chứng.
Thiếu tướng Trần Thế Quân (Ảnh: Tiền Phong) |
Cũng theo ông Quân, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi có lại” giữa hai quốc gia. “Ví dụ, nước bạn đề nghị nước ta dẫn độ một tội phạm nào đó đang trốn ở Việt Nam, chúng ta giúp họ thì nay chúng ta đề nghị, nước bạn sẽ giúp lại”, ông Quân nói.
Ở khía cạnh pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), giả định trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh bị Interpol (Cảnh sát hình sự quốc tế) bắt giữ theo yêu cầu của Việt Nam tại Đức thì việc dẫn độ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận ngoại giao, Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (năm 2003).
“Trình tự thủ tục dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh được áp dụng theo Luật Dẫn độ của nhà nước Đức, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam”, Luật sư Thơm nhận định.
Phải nhờ Interpol
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nếu có căn cứ xác định ông Thanh đã bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì sẽ gửi lệnh truy nã đến Văn phòng Interpol Việt Nam (C55) thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an).
Sau đó, C55 sẽ đề nghị Ban Tổng Thư ký Interpol ra quyết định truy nã quốc tế. Luật sư Thơm lưu ý: “Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện dựa trên các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương nhưng trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm lại tuân theo quy định của pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ và pháp luật quốc gia yêu cầu dẫn độ”.
Như vậy, nếu đúng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế của Interopl Việt Nam tại một quốc gia trên thế giới (ở đây là Đức) thì sẽ phải được thực hiện việc dẫn độ theo quy định của pháp luật nước sở tại trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của Bộ Công an Việt Nam.
Việc dẫn độ này căn cứ vào công hàm đề nghị dẫn độ và hồ sơ pháp lý liên quan đến hành vi phạm tội của ông Thanh tại Việt Nam, như: quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã bị can cùng các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của ông Thanh.
Trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của Công an Việt Nam, quốc gia bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ đưa ra xem xét yêu cầu dẫn độ bằng một phiên tòa hình sự hoặc một phiên họp theo quy định của pháp luật quốc gia. Tòa án quốc gia nơi bắt giữ ông Thanh sẽ là cơ quan ra quyết định về việc dẫn độ về Việt Nam.
Tài sản tẩu tán vẫn thu hồi được
Về câu hỏi nếu trước khi bỏ trốn, ông Trịnh Xuân Thanh đã tẩu tán tài sản ra nước ngoài thì có xử lý được không, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng nhà nước Việt Nam vẫn có thể thu hồi. Trước tiên, cần xem xét giữa Việt Nam và quốc gia nơi ông Thanh hợp thức hóa tài sản bằng tiền phạm pháp đã có cơ chế tương trợ tư pháp hay chưa.
Trường hợp đã có thì việc thu hồi tài sản thuận lợi hơn, còn nếu chưa thì vẫn có thể thu hồi được tài sản vì Việt Nam và các nước trên thế giới đã gia nhập Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng 2003 (Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 2009).