Bão số 9 với gió giật cấp 16 cách Quảng Ngãi 140 km, mây đen vần vũ ở Quảng Nam

Hình ảnh mây vệ tinh vị trí bão số 9 lúc 6h sáng nay (28/10). Ảnh: Trung tâm KTTV Quốc gia.
Hình ảnh mây vệ tinh vị trí bão số 9 lúc 6h sáng nay (28/10). Ảnh: Trung tâm KTTV Quốc gia.
(PLVN) - Sáng sớm nay (28/10), trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền khoảng 2 giờ đồng hồ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có họp gấp với các lực lượng phòng chống bão, lưu ý, dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn.

VOV cho biết, hiện tại các tỉnh/TP Thừa Thiên -Huế, Đà Nẵng,Quảng Nam, Quảng Ngãi đã bắt đầu có gió, mưa to dần. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên mưa và gió to hơn. Lúc 7h sáng nay (28/10), tại tỉnh Quảng Nam, gió đã mạnh dần lên, trên bầu trời mây đen vần vũ, người dân bắt đầu cảm nhận rất rõ là bão số 9 đang ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Quảng Nam. Suốt cả đêm qua đến sáng nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to. Các phương tiện tàu thuyền vẫn neo đậu an toàn.

Từ đêm qua tại tỉnh Phú Yên bắt đầu có mưa, gió rít liên tục. Một số khu vực đã mất điện. Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 5 đặt tại thành phố Tuy Hòa đang theo dõi cập nhật tình hình để ứng phó kịp thời.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 06h00 tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh 21m/s (cấp 9), giật 30m/s (cấp11).

Vị trí tâm bão lúc 06 giờ hôm nay (28/10) cách Đà Nẵng khoảng 240km, cách Quảng Nam 175 km, cách Quảng Ngãi 140 km, cách Phú Yên 190 km.

Sức gió mạnh nhất: cấp 12-13 (115-150km/h), giật cấp 16

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/h.

Trong đêm qua, các lực lượng kết hợp của tỉnh Quảng Ngãi gồm: Quân đội, Công an, dân quân… đều có mặt cắm chốt ở tất cả các điểm xung yếu, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Ban Chỉ huy tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, làm Trưởng ban đặt tại Trụ sở UBND tỉnh hoạt động suốt đêm.

Các Trạm chỉ huy tiền phương đặt tại các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TX Đức Phổ và TP Quảng Ngãi để chỉ huy ứng phó với bão số 9 cũng trực suốt đêm xử lý các tình huống phát sinh như cưỡng chế sơ tán dân, neo đậu lại tàu thuyền.

22h đêm qua, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11. Chính quyền huyện đảo đã hoàn thành việc di dời người dân đến nơi an toàn.

Đến nay, lực lượng chức năng huyện Lý Sơn đã đến các khu vực xung yếu để vận động cũng như hỗ trợ người dân khẩn trương di dời đến nơi an toàn trước trời tối. Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tại huyện đảo này hơn 600 phương tiện tàu, thuyền đã vào nơi tránh trú.

"Về đề xuất xin sử dụng hầm trú ẩn của quân đội trên huyện đảo Lý Sơn để làm nơi tránh trú cho nhân dân khi bão đổ bộ thì tỉnh đã đồng ý, nhưng còn tuỳ thuộc vào tình huống bão mạnh như sóng thần thì mới đưa dân tới nơi hầm trú ẩn vì ở đây không có điện, nước" - ông Nguyễn Viết Vy thông tin.

Đà Nẵng cả đêm qua có mưa, thi thoảng gió giật từng đợt. Đến 5h sáng nay, mưa nhẹ gió không lớn. Ghi nhận ở khu vực ven biển thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu.... có sóng lớn, gió giật.

Theo báo cáo của các địa phương cũng như lãnh đạo các ngành liên quan, tính đến 22h ngày 27/10, hầu hết tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn. Riêng tỉnh Bình Định còn 92 tàu với 668 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán hơn 374 nghìn người dân thuộc 6 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tới nơi an toàn, tổ chức gia cố, sơ tán người trên 188265 lồng bè Có 2 tàu bị chìm ở xa bờ vùng biển Bình Định chưa thể tiếp cận được.

Hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đắk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc – Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ là 0,57m (đang xả với lưu lượng 160m3/s, dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định).

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, tại cuộc họp khẩn sáng sớm nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh dù bão số 9 đã giảm cấp theo dự báo nhưng còn rất mạnh, ảnh hưởng rộng, mưa rất lớn. Các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian để bảo vệ tính mạng, tài sản của của người dân, tiếp tục kiêm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 42 tàu còn đang ở trong khu vực nguy hiểm; các khu vực neo đậu; “cưỡng chế di dời tất cả những người còn ở trên tàu thuyền tại khu neo đâu, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản”.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải kiểm tra, gia cố lại chắc chắn.

Các địa phương sẵn sàng ứng phó với các sự cố mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng chân trên địa bàn có trách nhiệm cùng chuẩn bị lực lượng, vật tư, trang thiết bị chủ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.

Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác sơ tán người dân, đảm bảo an toàn nơi tránh trú bão số 9 tại TP Đà Nẵng.

Trước đó, cuộc họp khẩn thứ 3 của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đã diễn ra ngay trong đêm 27 rạng sáng 28/10, tại Đà Nẵng, khi bão số 9 đã vào sát đất liền. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác ứng phó bão và tìm kiếm các tàu mất tích qua điện thoại.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống bão số 9, đặc biệt là quyết tâm di dời hàng trăm nghìn người dân ra khỏi những địa điểm nguy hiểm. Phó Thủ tướng lưu ý, phải đảm bảo an toàn cho người dân ở các điểm sơ tán, cần chuẩn bị lương thực, nước uống trong vòng ít nhất 1 ngày.

Trưởng đoàn công tác của Chính phủ cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát toàn bộ các địa điểm nguy hiểm, tránh không để bất kỳ trường hợp người dân nào còn lưu lại, đồng thời giữ liên lạc với các tàu cá vẫn còn ngoài biển. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các ngành chức năng bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ đập, vận hành hồ chứa, xả nước an toàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu đảm bảo công tác thông tin, cảnh báo cho khu vực miền núi Tây Nguyên, thậm chí cả Bắc Trung Bộ về nguy cơ mưa lớn, sạt lở, lũ ống, lũ quét do hoàn lưu sau bão gây ra.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu giữ liên lạc, cập nhật thông tin với 92 tàu vẫng đang trong khu vực nguy hiểm, đồng thời đảm bảo an toàn cho tất cả các tàu thuyền đang neo đậu tại các nơi tránh trú bão. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị cán bộ địa phương, lực lượng công an, quân đội có người trực tại các điểm xung yếu, những nơi có nguy cơ cao, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để ứng cứu khi có sự cổ xảy ra.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn các hồ, nhất là hồ Kẻ Gỗ và Tả Trạch, lưu ý lượng mưa lớn, xả nước an toàn, tránh ảnh hưởng tới người dân ở vùng hạ lưu. Đồng thời, lưu ý các địa phương cần chuẩn bị sẵn kịch bản mất điện diện rộng, tránh bị động lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bão.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Lâm Đồng nỗ lực tìm giải pháp phòng ngừa sạt lở

Chuyên gia khảo sát tìm nguyên nhân sạt trượt đất tại TP Đà Lạt hồi năm 2017.
(PLVN) - 2023 không phải là năm đầu tiên ở Lâm Đồng xuất hiện các sự cố sạt trượt đất nghiêm trọng. 8 năm về trước, vào năm 2017, tại trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã xuất hiện sự cố sạt trượt nghiêm trọng, phương án khắc phục đến nay đã mở ra hướng để nhà chức trách tham khảo, áp dụng trên diện rộng.

Bắc Bộ có mưa dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều tối và đêm 17/4 đến sáng sớm ngày 18/4, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng vùng núi cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Hậu quả nặng nề từ sự cố sạt trượt đất

Cùng với tốc độ phát triển nhanh, vấn đề sạt trượt là thách thức của Lâm Đồng.
(PLVN) - Chưa bao giờ sự cố sạt trượt đất lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề như năm 2023, nhất là với tỉnh Lâm Đồng. Các sự cố xảy ra liên tiếp, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra những nỗi đau khó khắc phục.

Ngày mai, 17/4, khu vực nào nắng nóng nhất?

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày mai (17/4), nắng nóng tiếp tục duy trì ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất tại những khu vực này phổ biến 35 – 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

'Hiu hắt' tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội

Hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp ở Hà Nội vắng người qua lại.
(PLVN) - Hơn 2 tháng được khánh thành và đưa vào hoạt động, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp tại Hà Nội vắng vẻ, ít người qua lại. Nhiều điểm trên đường thành nơi tập kết rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.

Đừng để rừng già trở thành điều “từng là”...

Hoa hậu H’Hen Niê đã góp 1.000 cây cho rừng Bến En trích từ cát xê lần đi hát đầu tiên. (Ảnh: Gaia).
(PLVN) - Xin trích lời bài hát “Nhạc của rừng” của ca sĩ Đen Vâu đã và đang đứng top thịnh hành nhiều bảng xếp hạng âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả làm tiêu đề cho bài viết này. Tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán này.

Trắng đêm dập lửa cứu 40ha rừng tràm ở Cà Mau

Hiện trường vụ cháy cập nhật chiều nay (11/4). Ảnh: Trọng Nghĩa
(PLVN) - Gần 600 người được huy động từ lực lượng vũ trang, kiểm lâm và các lực lượng liên quan nỗ lực xuyên đêm để dập hỏa hoạn tại rừng tràm ở Nông Trường 402, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau...