Nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020.
Dự thảo Quyết định gồm 7 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng và địa bàn áp dụng; Các hoạt động để thực hiện chính sách TGPL; Định mức tài chính hỗ trợ đối với các hoạt động để thực hiện chính sách TGPL; Cơ chế nhân lực và tài chính bảo đảm thực hiện chính sách; Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện và Điều khoản thi hành.
TS Trần Huy Liệu - Quyền Cục trưởng Cục TGPL cho biết: “Việc xây dựng Quyết định phải đảm bảo quyền được TGPL đối với các đối tượng được TGPL; huy động các nguồn lực và cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác TGPL; đảm bảo cho tất cả người nghèo, người có công với cách mạng, ĐBDTTS và những người được TGPL khác được cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng”.
Hội thảo góp ý Dự thảo Quyết định do Bộ Tư pháp tổ chức, quy định tại Điều 3 của Dự thảo Quyết định về các hoạt động để thực hiện chính sách TGPL mới đây có một số ý kiến khác nhau.
Có ý kiến đề nghị mở rộng nội dung các hoạt động này bao gồm tất cả các hoạt động với các định mức như đối với các hoạt động hỗ trợ pháp lý được quy định tại Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, ĐBDTTS tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 mà không chỉ có hoạt động như trong Điều 3 của Dự thảo Quyết định vì địa bàn áp dụng cùng là xã nghèo, có đặc điểm như nhau nên cần được hưởng các hoạt động như nhau.
Tuy nhiên, đa số tán thành với Dự thảo Quyết định thì nhấn mạnh không nên đồng nhất nội dung các hoạt động để thực hiện chính sách TGPL tại các xã nghèo với các hoạt động hỗ trợ pháp lý được quy định tại Quyết định số 52 vì nội dung của chính sách hỗ trợ pháp lý tại các huyện nghèo rộng hơn chính sách TGPL. Hơn nữa, Nghị quyết số 80 đã quy định cụ thể về chính sách TGPL cho người nghèo.
Do vậy, dự thảo Quyết định cần bám sát và thể hiện rõ các nội dung của Nghị quyết. Dự kiến sẽ có 5 hoạt động chính là thông tin, truyền thông, phổ biến các chế độ, chính sách, quy định pháp luật đối với người nghèo, ĐBDTTS và các chính sách giảm nghèo bền vững (trong đó có việc cung cấp Báo Pháp luật Việt Nam số ra hàng ngày cho UBND các xã nghèo và Câu lạc bộ TGPL tại các xã nghèo); cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo các hình thức TGPL; tổ chức các đợt TGPL lưu động về các xã nghèo; thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL tại các xã nghèo; tăng cường năng lực cho tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL tại các xã nghèo.
Một nội dung khác của Dự thảo Quyết định cũng giành được sự quan tâm là về cơ chế tài chính để triển khai Quyết định khi được ban hành. Có ý kiến cho rằng, để phù hợp với quy định hiện hành về lập, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước thì kinh phí thực hiện Quyết định được lập dự toán và cấp cho địa phương theo cấp ngân sách nhà nước.
Nhưng theo một số ý kiến, kinh phí triển khai Quyết định cần bố trí trong dự toán hàng năm của Quỹ TGPL Việt Nam cho thống nhất về đầu mối cấp phát kinh phí thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo vì hiện nay Quỹ đang được giao nhiệm vụ lập dự toán cấp phát kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý theo Quyết định số 52.
Hiện Dự thảo được xây dựng theo loại ý kiến thứ hai này.
Thục Quyên