Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Trần Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tính cho đến thời điểm hiện tại Cục Trồng trọt mới nhận được hơn 2.000 đơn đăng ký bảo hộ Giống cây trồng và chưa đến 950 văn bằng bảo hộ trên toàn nước.
Mặc dù Việt Nam là một quốc gia rất phát triển về nông nghiệp và các lãnh đạo cũng luôn quan tâm, phát triển về vấn đề bảo hộ Giống cây trồng, nhưng con số tổng đơn đăng ký này vẫn còn khá hạn chế.
Bà rất mong thông qua Hội thảo có thể phổ biến được nhiều hơn nữa những kiến thức, công cụ liên quan đến việc đăng ký và bảo hộ giống cây trồng trong nước và khu vực Asian cho nhiều người biết đến, cũng như cập nhật những sửa đổi mới trong Luật SHTT.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại hội thảo, bà Trần Thị Thu Trang - Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ Giống cây trồng (UPOV) đã giới thiệu về Dự án cơ chế bảo hộ Giống cây trồng khu vực E-PVP Asian. Theo bà Thu Trang, đây là dự án phát triển một phần mềm nộp đơn trực tuyến thuộc UPOV Prisma rất hữu ích, tiết kiệm được công sức, thời gian và chi phí cho người nộp đơn. Dự án xây dựng quy trình chung cho tất cả các quốc gia thành viên nhằm tạo cơ chế hài hòa khu vực và tương thích Công ước UPOV.
Bà Trần Thị Thu Trang cho biết, tại đây, người nộp đơn chỉ cần nộp 1 lần tờ khai và có thể chọn để đăng ký vào nhiều quốc gia là thành viên của UPOV Prisma với cùng 1 mẫu đơn đăng ký chung.
Trong khi đó, ông Manabu Suzuki - Cán bộ phụ trách UPOV châu Á chia sẻ về các giá trị thống kê được từ việc Bảo hộ Giống cây trồng mang lại như: Thu nhập người nông dân Việt Nam đã tăng 24% so với 10 năm trước khi tham gia UPOV và những năm gần đây, việc sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp không tăng nhiều, trong khi năng suất thì tăng rất lớn.
Thống kê cho biết, thu nhập được cải thiện này không chỉ đến từ sự phát triển của phân bón, nguồn nước, phương pháp chăm sóc hay việc mở rộng diện tích đất canh tác mà còn đến từ việc người nông dân đã tiếp cận được thông tin và đưa Giống cây trồng mới vào sản xuất, làm tăng năng suất thu hoạch.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Đại diện Sở hữu công nghiệp - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu Điểm Tựa Vàng góp ý: Thái Lan là quốc gia lân cận và có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất giống với Việt Nam, rất mong Lãnh đạo Cục Trồng trọt và UPOV có thể sớm ngày vận động quốc gia này tham gia là thành viên của UPOV để người nông dân nhận được nhiều giá trị hơn trong việc thương mại và sử dụng Giống cây trồng có nguồn gốc từ đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Đại diện Sở hữu công nghiệp - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu Điểm Tựa Vàng phát biểu tại Hội thảo |
“Con số chưa đến 950 văn bằng bảo hộ Giống cây trồng trên cả nước, tính đến thời điểm hiện nay đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam có phải là con số rất khiêm tốn không? Chúng tôi trăn trở, phải làm sao để người nông dân có được những thông tin kịp thời về Giống cây trồng mới, giống được cải tiến, mang lại hiệu suất cao; làm sao để khối doanh nghiệp có thể hiểu về tầm quan trọng của việc bảo hộ Giống cây trồng và tận dụng được lợi thế cạnh tranh tuyệt đối độc quyền trong hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, với thành công trong thương mại hóa của giống gạo ST25, của nhãn hiệu Gạo ông Cua của kỹ sư Hồ Quang Cua đã là một minh chứng rất thuyết phục”.
Bà Trúc mong Cục Trồng trọt và các cơ quan ban ngành có liên quan sẽ có những quan tâm nhiều hơn, tích cực tổ chức các hội thảo chuyên sâu, nhằm phổ biến rộng rãi những kiến thức liên quan để càng nhiều người được tiếp cận thông tin và có những giải pháp tối ưu cho bản thân, doanh nghiệp mình.