Một nghiên cứu mới đây cho thấy, những thành viên nam trẻ tuổi từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Anh sau khi hoàn thành nghĩa vụ và trở về với đời thường thường có xu hướng phạm tội cao hơn những người khác.
Những quân nhân trẻ Anh có nguy cơ phạm tội cao hơn người khác. |
Kết luận nói trên được đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet của Anh 10 năm sau khi nổ ra cuộc chiến tranh tại Iraq. Để có được kết luận này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ gần 14.000 quân nhân Anh từng phục vụ trong các cuộc chiến tranh tại Iraq hoặc Afghanistan.
Kết quả cho thấy một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở những người đàn ông còn trẻ, những người đã trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận và những người đã phải chịu đựng những kinh nghiệm đau thương trên chiến trường.
Theo các kết quả nghiên cứu, về mặt tổng thể, tỉ lệ phạm tội của các quân nhân thấp hơn một chút so với những người ở cùng độ tuổi nhưng không tham gia phục vụ trong quân ngũ. Cụ thể, khoảng 94% đàn ông trở về từ vùng chiến sự không phạm tội.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tỉ lệ phạm tội ở những người dưới 30 tuổi tham gia quân ngũ lại đặc biệt cao hơn hẳn phần còn lại. Theo đó, có đến 20,6% trong tổng số 2.728 đàn ông trẻ tuổi từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã phạm tội, trong khi tỉ lệ đàn ông trẻ tuổi không tham gia quân đội bị kết án về các hành vi bạo lực chỉ là 6,7%.
Các hành vi bạo lực này bao gồm từ mức nhẹ là quấy rối bằng lời nói cho đến nghiêm trọng là giết người. Đó là còn chưa kể đến tình trạng bạo lực gia đình mà các cựu quân nhân là thủ phạm.
Cấp bậc thấp hơn, đã trực tiếp chiến đấu hay phải trải qua những tổn thương trên chiến trường, ví dụ như bị trúng đạn, đều tỉ lệ thuận với sự gia tăng tình trạng bạo lực của các quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Những người đàn ông đã chiến đấu tại Iraq và Afghanistan có xu hướng phạm tội về bạo lực cao hơn đến 53% so với những đồng đội không phải trực tiếp chiến đấu. Ở những người có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nguy cơ phạm tội thậm chí còn cao hơn 70 đến 80% so với những đồng đội khác.
Lewis McKay – một người từng phục vụ tại Iraq và Afghanistan nói rằng, tính cách của Anh đã thay đổi hoàn toàn, từ một người thoải mái thành một kẻ hung hãn sau khi từ Afghanistan trở về.
“Vợ tôi không còn tồn tại đối với tôi. Tôi luôn cảm thấy tức tối với cô ấy và tôi luôn muốn đánh cô ấy. Tuy nhiên, thay vào đó, tôi đã đi bộ ra cửa và đạp vỡ những cánh cửa và cửa sổ. Nhưng chỉ cần một tiếng đóng cửa xe ô tô cũng có thể khiến tôi nằm ngay xuống mặt đất”, anh McKay nói và cho biết anh luôn bị ám ảnh bởi những hồi tưởng về thời gian ngoài chiến trường.
Ảnh hưởng của quá trình chiến đấu tới sức khỏe tâm thần của những người từng tham gia phục vụ trong quân đội từ lâu đã khiến nhà chức trách phải chú ý. Theo một thống kê tại Mỹ, những binh sỹ từng chiến đấu tại Iraq và Afghanistan có tỉ lệ rối loạn thần kinh sau chấn thương lên đến 15%. Số vụ tự tử của binh lính Mỹ cũng đã cao đến mức kỷ lục trong năm 2012. Theo một báo cáo vừa được công bố, số binh sỹ Mỹ tự tử thậm chí còn cao hơn cả số người thiệt mạng ngoài chiến trường.
Trước thực trạng này, Bộ Quốc phòng Anh – đơn vị tài trợ cho cuộc nghiên cứu nói trên – đã cam kết sẽ cải thiện lực lượng vũ trang và giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải do quá trình phục vụ trong quân ngũ.
Minh Ngọc