Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 30 vụ việc cản trở báo chí tác nghiệp. Trong đó, đối tượng “ngáng chân” báo chí nhiều nhất là những cán bộ nhà nước - 13 trường hợp! Cứ ngỡ các cơ quan thực thi pháp luật là nơi phải thượng tôn pháp luật, nhưng thật buồn khi họ lại dễ dàng vi phạm với báo chí, bởi có nhiều nơi như tòa án, công an… người ta đã tự “cắm” biển cấm để làm khó phóng viên, nhà báo khi họ quay phim, chụp hình.
Đại úy Trần Quang Minh (Công an Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cản trở PV Đài PT&TH Quảng Ngãi tác nghiệp dù đã trình Thẻ Nhà báo. |
Muốn chụp ảnh phải “xin”… Chánh văn phòng!
Chuyện phóng viên bị cấm quay phim, chụp ảnh tại các phiên tòa xét xử công khai xảy ra như cơm bữa. Chốn pháp đình lâu nay vẫn bị coi là nơi thượng tôn pháp luật nhưng dễ vi phạm pháp luật với báo chí, cố tình không thực hiện các qui định đảm bảo quyền tác nghiệp cho báo chí. Mặc dù Luật báo chí qui định Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và quyền quay phim, chụp ảnh của nhà báo được cụ thể hóa tại Nghị định 51 thi hành luật báo chí tại khoản 3 Điều 8: “Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”, nhưng thực tế không ít tòa án chế ra các qui định nhằm hạn chế quyền này của phóng viên. Chẳng hạn có Tòa án ra nội quy “muốn quay phim, chụp ảnh phải được phép của chánh văn phòng”.
Dựa vào quy định này, nhiều vị thẩm phán đã cố tình “hạch” phóng viên phải đi tìm bằng được chánh văn phòng xin chụp ảnh, quay phim dù luật đã qui định thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định những việc liên quan đến phiên xử.
Những phiên tòa “tiêu biểu” gần đây nhất cản trở tác nghiệp của phóng viên phải kể đến như phiên tòa của TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xét xử bị cáo Nguyễn Minh Trí, lái xe điên gây tai nạn chết người tại ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt; phiên tòa của TAND TP. Hà Nội xét xử bị cáo Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại P.Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội) về 3 tội danh: “Giết người”, “hiếp dâm trẻ em” và “cướp tài sản. Các phóng viên đều bị khước từ hoạt động nghiệp với lý do phải có giấy mời tham dự phiên tòa và trình ngay từ cổng bảo vệ. Để qua được cửa ải kiểm soát này, phóng viên bắt buộc phải cự cãi, giở luật báo chí và độ thành công không thể biết trước.
Sự xâm phạm hoạt động báo chí bị dư luận phẫn nộ nhất có lẽ là vụ một Đại úy, Đội phó Đội An ninh Công an TP. Mỹ Tho lập biên bản vi phạm hành chính và giữ, lục soát máy tính xách tay của phóng viên Hữu Danh - Báo Nông thôn Ngày nay - vào ngày16/10 vừa qua.
Lấy lý do PV này chụp ảnh khu vực tiếp dân của Công an TP. Mỹ Tho, vị đại úy này cho rằng dù không có biển báo cấm chụp ảnh nhưng đây vẫn là khu vực cấm và yêu cầu PV giao máy ảnh và thẻ nhớ máy ảnh để kiểm tra. Khi thấy tấm ảnh chụp bàn trực ban không có người trực, đại úy Nguyên cho rằng PV vi phạm và sẽ xử lý hành vi này và mở máy lục soát. Kiểm tra máy tính trong gần hai giờ, thu giữ thẻ nhớ 16GB và laptop của PV. Công an TP Mỹ Tho “dọa” xử phạt theo điểm K, khoản 1, Điều 25 NĐ73/2010/NĐ-CP ( xử phạt “hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm” và có thể bị phạt bổ sung “tịch thu phương tiện” (laptop, máy ảnh).
Sau vụ việc này, báo giới dấy lên lo ngại về việc các cơ quan chức năng sẽ vin cớ khu vực cấm để hành báo chí một cách trái luật.
Nội quy to hơn Luật?
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì việc cấm phóng viên tác nghiệp tại các phiên tòa công khai là vi phạm pháp luật.
“Chủ tọa điều hành theo luật, không thể khác luật được. Phải đảm bảo quyền tự do báo chí đã được pháp luật qui định. Chủ tọa chỉ được cấm phóng viên, những người tham dự phiên tòa không được quay phim, chụp ảnh trong trường hợp phiên tòa xử kín. Nếu đã xử công khai thì ai cũng có quyền tham dự và quay phim, chụp ảnh. Nếu nội qui phiên tòa mà cấm là nội qui sai, không đúng qui định của pháp luật. Cái đó là cố tình gây trở ngại cho phóng viên.. Tôi nghĩ, cơ quan báo chí nên lên tiếng để yêu cầu cơ quan tố tụng phải thực hiện đúng quyền của báo chí theo đúng qui định. Nếu không, họ cứ tưởng là họ được quyền cấm”, Luật sư Tỵ nhấn mạnh.
Ảnh:PV Lê Phú Sơn (Đài PT&TH Quảng Bình) bị cản trở vì ghi hình phao thi tại một Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2012. |
Về qui định cấm quay phim, chụp ảnh tại các khu vực cấm, theo tìm hiểu của phóng viên đã được quy định rõ tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, Nghị định 73/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Nhưng việc thực hiện các văn bản này hiện chưa được thực hiện nghiêm túc, là trở ngại lớn cho báo chí. Theo các văn bản trên, hành vi quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm cấm là Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
“Chủ tọa điều hành theo luật, không thể khác luật được. Phải đảm bảo quyền tự do báo chí đã được qui định. Chủ tọa chỉ được cấm phóng viên, những người tham dự phiên tòa không được quay phim, chụp ảnh trong trường hợp tòa xử kín. Nếu đã xử công khai thì ai cũng có quyền tham dự và quay phim, chụp ảnh. Nếu nội qui phiên tòa mà cấm là nội qui sai, không đúng qui định của pháp luật. Cái đó là cố tình gây trở ngại cho phóng viên…” - Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ. |
Khu vực cấm, địa điểm cấm được chỉ ra gồm: Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; Các kho dự trữ chiến lược quốc gia; Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội;. Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
Tuy nhiên, để mọi người đều biết thì những địa điểm, khu vực cấm đó phải được chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn biển báo. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm trong phạm vi địa phương mình quản lý theo đề nghị của Giám đốc Công an cấp tỉnh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự.. Bộ trưởng Bộ Công an xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm tại các đơn vị công an.
Trên thực tế có rất ít địa phương cắm biển báo khu vực, địa điểm cấm. Trường hợp phóng viên Hữu Danh là một ví dụ, mặc dù qui kết phóng viên này chụp khu vực cấm nhưng những người chức năng không trưng ra được biển báo cấm. Theo Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ thì “khu vực cấm chỉ có hiệu lực khi có biển báo cấm, nếu không thì cơ quan, con người liên quan không có quyền cấm. Công trình nào, nơi nào cấm phải có gạch chéo hình quay phim, chụp ảnh, nếu không có biển báo thì không được cấm. Trường hợp đặc biệt cơ quan an ninh trực hay chăng dây thì cũng có thể hiểu là khu vực cấm. Người Việt Nam còn có thể nói được với nhau chứ còn người nước ngoài thì họ làm sao hiểu được, chỉ có biển báo mới hiệu quả. Nhất thiết phải cắm biển công khai để tránh việc lập lờ, cản trở phóng viên”.
Thanh Quý - Tuấn Anh