Vở kịch mới của sân khấu Hoàng Thái Thanh đặt ra câu hỏi hóc búa: Liệu một tên cướp có thế hóa giải nghiệp chướng cho đời con cháu bằng cách gieo thêm một tội ác?
Nhan đề trên được đặt ra trong vở kịch “Bàn tay của trời” của tác giả Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như, vừa được tái dựng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Với câu chuyện về gã bá hộ Tư Chớp (NSƯT Thành Hội), vở diễn đưa khán giả trở về một lịch sử xa, vào thời điểm đạo đức xã hội xuống cấp, con người đảo điên vì đồng tiền, danh vọng.
Một cảnh trong "Bàn tay của trời". Ảnh Khải Trí |
Bỗng một ngày, Tư Chớp băn khoăn, lo lắng cho tương lai đứa con thứ hai sắp chào đời, bởi đứa trẻ rồi sẽ nối nghiệp ăn cướp giống như cha, anh trai và ông nội. Giữa nỗi niềm bâng khuâng ít nhiều mang tính hướng thiện, Tư Chớp được tin đứa trẻ chuẩn bị chào đời, cùng lúc với đứa bé con ông thầy đồ trong làng. Nguồn cơn của bi kịch xảy đến vào 18 năm sau khởi đi từ chính khoảnh khắc này, khi Tư Chớp nảy sinh ý tưởng đoạn tuyệt cái nghề ăn cướp truyền đời của dòng họ bằng cách…tráo đổi chính đứa con vừa ra đời của mình với con ông thấy đồ.
Trong suy nghĩ giản đơn của mình, Tư Chớp cho rằng con của mình sẽ được giáo dục tốt hơn trong gia đình của thầy đồ, mai sau có thể làm quan để đi “cướp ngày”, không còn phải làm giặc “cướp đêm” như cha và anh trai. Hắn tưởng bí mật của mình sẽ mãi mãi được chôn vùi theo cái chết của bà mụ đỡ đẻ, nhất là khi mọi chuyện đã xảy ra đúng như kế hoạch. Môi trường giáo dưỡng của gia đình thầy đồ đã giúp con trai Tư Chớp ăn học thành tài, đỗ đầu trạng nguyên, trong khi con trai ông thầy đồ do Tư Chớp nuôi dưỡng lại ngày một ngỗ ngược, bất trị. Nhưng ngày vinh quy bái tổ, cũng là ngày dẫn đến bi kịch vấy máu giữa hai đứa con bị tráo đổi...
Bên dưới lớp vỏ của vụ án hồi hộp trên là những câu hỏi mang tính triết lý không dễ có lời giải đáp. Thông điệp của câu chuyện dễ dàng được hiểu ở khía cạnh đề cao tầm quan trọng của sự giáo dục và môi trường giáo dưỡng trong quá trình “trồng người”. Nhưng mặt khác, bi kịch xuất phát từ động cơ và hành động của gã bá hộ Tư Chớp lại là một bài học đau đớn, buộc người xem phải suy ngẫm thấu đáo về cách mà một người tìm về với con đường của chính nghĩa, có thể sống mà ngẩng cao đầu trong vinh dự và tự trọng. Tư Chớp dường như ngây thơ khi gieo hành động tội ác mà hắn nghĩ là phép giải “căn cơ” giúp hắn chấm dứt nghiệp dĩ ăn cướp đầy hèn kém và ô nhục. Chuỗi tội ác, thù hận tưởng chừng như bất tận khi con người chìm đắm trong sự u mê, tham lam và thất học.
Một cảnh trong "Bàn tay của trời". Ảnh Khải Trí |
Dĩ nhiên, trong chừng mực nhất định, nữ đạo diễn Ái Như đã gia giảm chất bi của vở kịch bằng các tình huống, lời thoại hài hước mang hình thức náo kịch. Bởi suy cho cùng, khán giả đi xem kịch còn là để giải khuây sau một ngày bộn bề, vất vả. Nhưng tinh thần chính luận thì vẫn nguyên vẹn. Đã lâu rồi khán giả mới được xem một câu chuyện chính luận như vậy trên sân khấu kịch TP.HCM, vốn đang bị bủa vây bởi những tiếng cười, tiếng thét giúp thị dân giải khuây được vài trống canh. Xét ở khía cạnh này, nỗ lực dựng những vở chính kịch nghiêm túc nhưng vẫn đảm bảo tính giải trí của sân khấu Hoàng Thái Thanh là rất đáng khen ngợi.
Chỉ trừ NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Ái Như và Tuyết Thu là các diễn viên gạo cội, “Bàn tay của trời” được trình diễn bởi một dàn diễn viên trẻ măng (nhiều bạn chỉ vừa mới tốt nghiệp trường sân khấu - điện ảnh) như Hùng Thuận, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Công Danh, Quỳnh Lam..., mang lại cho vở kịch không khí trẻ trung hiếm có. Nhưng khán giả cũng có thể sẽ rơi vào... bực mình bởi các bạn diễn hay quá mà mình lại không biết tên!
“Bàn tay của trời” công diễn từ ngày 8.4.2011 tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (36 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Kịch bản được NSND Doãn Hoàng Giang viết cách nay đã 20 năm với tên gọi “Những đứa con oan nghiệt”. Năm 2002, vở từng được dựng trên sân khấu Kịch Sài Gòn với cái tên Oa oa oa. Năm 2007, đạo diễn Ái Như dựng lại thành Bàn tay của trời. Lần tái xuất này với sự thay đổi về dàn diễn viên cũng như đường dây kịch bản nằm trong ý nguyện của NSƯT Thành Hội và Ái Như muốn đưa những đứa con tinh thần đã từng được cho ra đời tản mác ở các sân khấu về “sống lại và sống chung” dưới mái nhà sân khấu Hoàng Thái Thanh. |