Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên được xây dựng trên cơ sở phù hợp với vị trí, vai trò, tính chất, đặc thù công việc của Chấp hành viên là tổ chức thi hành án, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ công lý; phù hợp chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Kế thừa và phát triển những nội dung chuẩn mực đạo đức chấp hành viên hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, truyền thống tốt đẹp của đội ngũ chấp hành viên đã được thực tế kiểm nghiệm qua hơn 19 năm thực hiện Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP.
Theo đó, để xứng đáng với vinh dự được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, công lý được thực thi, Chấp hành viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức theo quy định của Đảng, Nhà nước, của Bộ Tư pháp, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chuẩn mực sau: Thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý; Khách quan, đúng mực, dân vận khéo; Yêu nghề, bản lĩnh, chuyên nghiệp; Chia sẻ, tôn trọng, đoàn kết; Tích cực, chủ động, chặt chẽ, trách nhiệm; Gương mẫu, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính.
Đây là những phương châm, thể hiện yêu cầu cơ bản và toàn diện về phẩm chất đạo đức của Chấp hành viên trong các mối quan hệ công tác. Bản chuẩn mực đạo đức góp phần giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong hành vi của Chấp hành viên một cách tự nguyện, tự giác đồng thời cũng là tiêu chí để người Chấp hành viên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nhằm thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.