Bắc Ninh hướng tới phát triển bền vững bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái

Bắc Ninh chú trọng việc phát triển KCN theo mô hình sinh thái để thu hút các nhà đầu tư FDI.
Bắc Ninh chú trọng việc phát triển KCN theo mô hình sinh thái để thu hút các nhà đầu tư FDI.
(PLVN) - Nhằm hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững, tỉnh Bắc Ninh đang đang dần chuyển đổi, xây dựng các khu công nghiệp (KCN) sang mô hình KCN sinh thái.

Sự cần thiết phải chuyển đổi sang các mô hình KCN sinh thái bền vững

Tại Bắc Ninh, sản xuất công nghiệp đóng một vai trò quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, việc phát triển các KCN hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Ninh đang chuyển hướng sang nền kinh tế xanh. Bên cạnh đó, các KCN truyền thống hiện nay và cộng đồng các KCN còn thiếu tính liên kết. Các doanh nghiệp trong cùng một KCN cũng chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bắc Ninh hướng tới phát triển bền vững bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái ảnh 1Tỉnh Bắc Ninh xác định tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững

Vấn đề hiện hữu tại các KCN có thể chỉ ra là sự phát triển thiếu đồng bộ, gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN…

Đây là những yếu tố tạo ra những thách thức đối với cộng đồng, làm giảm sức cạnh tranh cũng như ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Từ đó đặt ra yêu cầu và sự cần thiết phải chuyển đổi sang các mô hình KCN sinh thái bền vững.

Mô hình KCN sinh thái xuất phát từ khái niệm sinh thái công nghiệp. Trong đó, phát triển quá trình sản xuất theo hướng tuần hoàn thay thế cho mô hình tuyến tính. Trong KCN, đầu ra hoặc chất thải, sản phẩm phụ của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác.

Tại KCN sinh thái, các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng chung hạ tầng và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác để tối ưu hóa các yếu tố và quá trình sản xuất mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho các doanh nghiệp trong KCN, hướng tới những lợi ích lớn hơn thông qua cải tạo chất lượng nước, không khí, môi trường sống của dân cư xung quanh KCN.

Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Tỉnh Bắc Ninh xác định để đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư FDI thì cần đặc biệt chú trọng việc phát triển KCN theo mô hình sinh thái.

Tỉnh cũng định hướng chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; liên kết khu vực FDI và khu vực trong nước, tăng số lượng các sản phẩm xanh.

Đối với vấn đề quy hoạch và phát triển KCN theo hướng sinh thái, tỉnh cũng hướng tới quy hoạch xây dựng KCN với các quy mô đa dạng, bao gồm: khung tiêu chí; quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư; đào tạo nhân lực; các tiêu chuẩn quản lý…

Tuy nhiên để chuyển đổi, xây các KCN sinh thái vẫn là một thách thức lớn đối với tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh thành phát triển công nghiệp trên cả nước nói chung.

TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam đánh giá: “Chi phí đầu tư hiện tại có thể cao song nếu chuyển đổi chậm thì chi phí chuyển đổi chắc sẽ còn cao hơn, như thế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá. Tiêu chuẩn xanh và sinh thái khu công nghiệp còn thể hiện uy tín cao của Việt Nam trước thế giới bởi tính tích cực, chủ động hình thành khu công nghiệp sinh thái.

Động thái này còn góp phần thu hút hiệu quả FDI đạt tiêu chuẩn xanh, sinh thái và truyền tải thông điệp quan trọng đến các nhà đầu tư quốc tế, nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường thu hút đầu tư xanh, sạch, sinh thái và bền vững”.

Việc hình thành các KCN sinh thái là con đường tất yếu, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song để thực hiện việc chuyển đổi này thì cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách, cơ chế và phù hợp.

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đồng thời, tập trung rà soát các qui định hiện hành về việc chuyển đổi các KCN với mô hình truyền thống hiện có sang mô hình phát triển các KCN sinh thái bền vững theo tăng trưởng xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các KCN.

Tỉnh cũng mong muốn các cơ quan nhà nước sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các KCN theo mô hình các KCN sinh thái. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ nhất định về thuế, về tài chính, về đất đai… cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình KCN từ truyền thống sang sinh thái.

Việc chuyển đổi, xây dựng các KCN sinh thái sẽ góp phần tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.