Theo Reuters, bà Clinton cũng nhấn mạnh đến vai trò của Trung Quốc trong việc thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên nhằm hạn chế chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của quốc gia này.
Mỹ không nên hung hăng và hiếu chiến
Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington ngày càng gia tăng sau một loạt các vụ thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cùng với đó là những lần khẩu chiến căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. “Chúng ta không cần phải lúc nào cũng hung hăng và hiếu chiến trong vấn đề Triều Tiên. Xúc phạm Triều Tiên trên Twitter chỉ mang lại lợi ích cho Bình Nhưỡng, không mang lại lợi ích cho Mỹ”, bà Clinton phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Tuyên bố của bà Clinton không nhắm trực tiếp tới những lời Tổng thống Donald Trump dành cho Triều Tiên trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, bà không đồng ý khi ông Trump gọi ông Kim Jong Un là “người tên lửa” và cho rằng những lời hăm dọa của ông đối với Bình Nhưỡng có thể sẽ đẩy Mỹ vào thế khó khăn hơn khi đàm phán với Triều Tiên trong tương lai. Bà cũng kêu gọi Washington kiên trì và nỗ lực hơn nữa nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và đàm phán ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên. “Với số phận của hàng triệu người đặt trên bàn cân, tùy thuộc vào một giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng với Triều Tiên, rõ ràng những lời hăm dọa bất chấp hậu quả sẽ phát động chiến tranh, rất nguy hiểm và thiển cận”, bà Clinton nói.
Phía Trung Quốc cũng liên tục yêu cầu các cuộc đàm phán giữa các bên, nhưng Mỹ và Nhật Bản luôn miễn cưỡng ngồi xuống bàn, trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công Washington.
Vai trò của Trung Quốc
Nói về vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết tình hình ở bán đảo Triều Tiên, bà Clinton nhận định rằng Bắc Kinh nên thắt chặt và thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế tham vọng của Bình Nhưỡng.
Được biết, mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh gần đây có phần căng thẳng bởi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên diễn ra nhanh chóng, các lần thử nghiệm tên lửa gần đây còn trùng khớp với các sự kiện lớn của Trung Quốc. Đã có những lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa vào đúng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Song, tình hình hoàn toàn ngược lại khi Bình Nhưỡng đã gửi thông điệp chúc mừng tới Bắc Kinh.
Trung Quốc không nên lo ngại về THAAD
Bà Clinton cũng cho rằng Trung Quốc không cần phải trừng phạt các công ty Hàn Quốc nhằm trả đũa việc nước này đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, bởi có thể Hàn Quốc làm tốt hơn Bắc Kinh trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Triều Tiên.
Được biết, Trung Quốc đang hạn chế các doanh nghiệp Hàn Quốc ở nước này kể từ khi Seoul quyết định triển khai hệ thống THAAD và cho rằng hệ thống radar mạnh của THAAD có khả năng xâm nhập sâu vào lãnh thổ nước này. Bất chấp việc Hàn Quốc và Mỹ đã nhiều lần nói rằng THAAD chỉ nhằm mục đích chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng hệ thống tên lửa này có thể dùng để tấn công chính vào nước mình.
“Trung Quốc có thể cùng lúc đạt được 2 mục tiêu, đó là gây áp lực về kinh tế đối với Triều Tiên, buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời vừa có thể giảm bớt mối đe dọa mà Hàn Quốc và người dân nước này đang phải đối mặt”, bà Clinton cho hay.
Trong một diễn biến có liên quan, mới đây Triều Tiên tuyên bố ủng hộ ý tưởng cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới, song với điều kiện Mỹ cũng làm điều tương tự. Cụ thể, phát biểu trước các thành viên Ủy ban giải giáp vũ khí của Ðại Hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ), Phó Ðại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In-ryong nêu rõ: “Chừng nào Mỹ - nước luôn đe dọa Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân - không chấp thuận Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên cũng không tham gia Hiệp ước này”. Quan chức Bình Nhưỡng khẳng định, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa là một “biện pháp tự vệ chính đáng”.