Hôm qua (22/7), một loạt các Hội nghị song phương cấp bộ trưởng giữa ASEAN với các đối tác theo cơ chế ASEAN + 1 đã diễn ra tại Bali, Indonesia nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm bắt tay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước một cuộc họp sáng qua ở Bali. Ảnh: AP. |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Mỹ, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận những nỗ lực tăng cường, củng cố hợp tác ASEAN-Mỹ, nhằm duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, trao đổi quan điểm và thảo luận một cách sâu sắc việc tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á của Mỹ.
Hội nghị cũng thảo luận những nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh chính trị ASEAN-Mỹ, trong đó có việc Mỹ thể hiện ý định tham gia Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ); xem xét việc thực hiện Tuyên bố chung Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ tại New York năm 2010 để sớm phê chuẩn Kế hoạch hành động ASEAN-Mỹ giai đoạn 2011-2015, trong đó nâng quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ lên mức chiến lược; và thảo luận về Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN-Mỹ dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm nay
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Mỹ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác ASEAN-Mỹ trong các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền và tội phạm xuyên quốc gia; xem xét sự tham gia kinh tế ASEAN-Mỹ trong khuôn khổ Thỏa thuận khung đầu tư và thương mại ASEAN-Mỹ (ASEAN-Mỹ TIFA).
Có mặt tại Bali trong lúc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang “nóng” trên các diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng ca ngợi Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vừa được các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc thông qua. Ngoại trưởng Mỹ “ca ngợi” ASEAN và Trung Quốc “vì đã làm việc chặt chẽ cùng nhau để lập ra các hướng dẫn thực thi cho tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông".
Hồi năm ngoái, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, bà Clinton đã khiến Bắc Kinh nổi giận cũng như khiến cả thế giới quan tâm với tuyên bố an ninh hàng hải trong khu vực là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và Mỹ sẵn sàng giúp đỡ để các bên đi đến một giải pháp hòa bình.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và EU, bên cạnh các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và EU đã xem xét, đánh giá kết quả hợp tác ASEAN-EU nhằm tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh chính trị, tiến bộ kinh tế, công bằng xã hội, bình đẳng, dân chủ, quyền con người, năng lực quản lý và điều hành của chính phủ, luật pháp và phát triển bền vững ở ASEAN và EU.
Trên tinh thần này, các bộ trưởng xem xét việc thực thi công việc của Ủy ban liên Chính phủ về Quyền con người (AICHR) nhằm tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong ASEAN, nhất là việc tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) của EU.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nga, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nga đã xem xét, đánh giá kết quả phát triển hợp tác giữa hai bên, thảo luận về những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới, việc Nga tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ được tổ chức tại Indonesia vào cuối năm nay và việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Nga.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận các biện pháp hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; nhấn mạnh hai bên cần hợp tác nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức khu vực và toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu...
Hôm nay, tại Bali sẽ diễn ra ARF - Diễn đàn đối thoại an ninh quan trọng bậc nhất ở châu Á Thái Bình Dương, nơi các bộ trưởng và quan chức cấp cao của Đông Nam Á họp với đối tác Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Australia, Mỹ. Các vấn đề an ninh như tranh chấp chủ quyền Biển Đông, chương trình hạt nhân Triều Tiên, xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia và nhiều chủ đề khác dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận.
P.L (tổng hợp)
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu