Dự báo 13h hôm nay, 2/11 (tức là đúng ngày cơn bão Linda hướng vào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, xảy ra 20 năm về trước), vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Ven biển Nam bộ cần đề phòng nước dâng do ATNĐ và không khí lạnh từ 0,3-0,4m, kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m đến hết ngày 2/11, ở Nam bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Trong lúc đó, một áp thấp nhiệt đới đang xuất hiện gần Biển Đông. Dự báo đến 13 giờ hôm nay (2/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Tại phiên họp sáng 1/11, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) lưu ý việc thực hiện nghiêm các công điện ngày 31/10: Tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ và tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam bộ và áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông;
Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng; Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về PCTT Hoàng Văn Thắng cho biết: “BCĐ Trung ương về PCTT sẽ cử Đoàn công tác làm việc với BCĐ APEC và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Đà Nẵng và Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với ATNĐ, mưa lũ. Đảm bảo tuần lễ APEC được tổ chức tại TP Đà Nẵng diễn ra an toàn, hiệu quả”.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị, do tính chất của 2 đợt ATNĐ đang tồn tại song song và ảnh hưởng đến nước ta nên cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Đặc biệt, ATNĐ vào vùng Cà Mau và các tỉnh lân cận, nơi không thường xuyên xảy ra thiên tai nên bà con chủ quan, chưa có kỹ năng phòng chống nên cần tuyên truyền mạnh.