Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 12 ca tử vong ở phụ nữ Anh hiện nay thì có 1 trường hợp là do rượu. Còn theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), cứ 5 phụ nữ Anh có 1 người nghiện rượu. Độ tuổi nghiện rượu đang được trẻ hoá rất nhanh.
Minh họa. Ảnh: forladiesbyladies
Rachel Thacker, sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp đại học ngành y, chuẩn bị nhận công tác thì tai hoạ xảy ra bất ngờ ập tới. Bạn bè, gia đình đưa Rachel Thacker về nơi an nghỉ cuối cùng song không khỏi ngậm ngùi thương tiếc một nữ sinh thông minh, học giỏi, xinh đẹp nhưng phận đời quá ngắn ngủi.
Tai hoạ xảy ra với Rachel Thacker ngay trước 1 tuần cô nhận công tác tại một trung tâm y tế, nơi chuyên điều trị sức khoẻ bằng liệu pháp nghề nghiệp. Trong buổi liên hoan tổ chức tại một nhà hàng ở Manchester, Thacker đã uống quá nhiều rượu, rồi lái xe về và bị tai nạn ngay trong đêm. Cô đã tông thẳng vào chiếc xe Jeep ngược chiều làm cho cả hai tài xế chết ngay tại chỗ còn bạn của Rachel là Sierra bị thương nghiêm trọng.
Theo ông Jane Browa, Trưởng Phòng An toàn giao thông thành phố Manchester, trường hợp Rachel Thacker không phải là hiếm bởi mỗi tuần cảnh sát ở đây phát hiện và xử lý tới hơn 250 trường hợp ngồi sau tay lái có mùi rượu bia, trong đó phụ nữ chiếm lượng khá lớn, đặc biệt là nhóm phụ nữ trẻ - nhóm hay lạm dụng rượu mạnh dẫn đến say xỉn không làm chủ được tay lái.
Từ lâu, Anh đã được mệnh danh là quốc gia có mức tiêu thụ rượu rất cao, nhất là ở đàn ông và trong vòng 10 năm trở lại đây tăng tới 50%, trong số này có 27% phụ nữ uống quá mức quy định mỗi tuần. Trong khi đó, ở đàn ông nói chung vẫn duy trì ở mức khuyến cáo.
Lường trước được hiểm hoạ, Bộ y tế Anh đã đưa ra những khuyến cáo về an toàn cho việc dùng rượu. Riêng ở phụ nữ lại có mức quy định cụ thể hơn, nhất là nhóm tuổi vị thành niên, thậm chí còn cụ thể ở mức mỗi ngày, mỗi bữa thay cho quy định theo tuần như trước đây.
Theo khuyến cáo này, phụ nữ không nên uống quá 3 đơn vị rượu mỗi ngày (1 đơn vị rượu tương đương 250ml bia hay 75 ml rượu vang hay 25 ml rượu mạnh), nên chia đều trong ngày chứ không nên uống liên tục.
Nhưng thực tế, có người uống tới 21 đơn vị mỗi ngày, nhiều trường hợp từ vô tình dẫn đến nghiện nặng và không rời bỏ được thói xấu này. Ví dụ như trường hợp cô sinh viên 23 tuổi Nicki Evan ở Đại học Mortingham Trent University: Nicki đã được người giúp việc gia đình tìm thấy trong phòng riêng trong trạng thái chết từ bao giờ do ngộ độc rượu vodka.
Caroline Mcintosh, giáo viên ở Arbroath Scotland, mới đây cũng bị thiệt mạng ngay tại nhà riêng bởi chứng ngộ độc rượu sau khi cô này uống một lúc hết 7 chai vodka chưa kể các loại rượu khác như rượu rum, whisky mà người ta tìm thấy trên bàn ăn của người phụ nữ này.
Một trường hợp khác cũng không kém phần thương tâm: Janinie, sống ở Luân Đôn, do nghiện rượu nên đã bị kẻ xấu lừa cho uống rượu say, giở trò đồi bại, sau đó lấy hết của cải rồi bỏ đi. Khi Janinie tỉnh lại mới biết mình trắng tay.
Ngoài việc thiệt mạng trực tiếp do rượu gây ra, số lượng phụ nữ tử vong vì bệnh gan, tim mạch ở độ tuổi 30-45 tại Anh tăng lên mức báo động. Riêng bệnh xơ gan đã cướp đi trên 1.600 sinh mạng phụ nữ mỗi năm, trong khi đó năm 1995 mới chỉ có 400 ca.
Theo số liệu nghiên cứu của các chuyên gia ở ONS, những người phụ nữ có thói quen uống rượu từ khi còn trẻ thì khi trưởng thành dễ mắc chứng nghiện rượu, lệ thuộc vào rượu. Nếu họ rơi vào hoàn cảnh bất trắc, kinh tế khó khăn, tình trạng này lại càng tồi tệ hơn, nhất là những phụ nữ không lập gia đình.
Sophie, 30 tuổi, độc thân, sống ở Luân Đôn, do cuộc sống buồn chán đã lấy rượu giải khuây, bị cuốn vào mối quan hệ tình dục với nhóm người lạ để rồi cuối cùng mắc bệnh STD (bệnh lây lan qua đường tình dục) lý do chính là không làm chủ được bản thân trong khi say rượu.
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ y tế Anh, hiện nay đang phối hợp cùng các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về mối nguy hiểm của rượu đến với mọi người, kể cả giới trẻ. Đặc biệt, những thông tin này còn được đưa vào các trường học, nhất là bậc cao đẳng, đại học.
Tại Anh, hiện nhiều tổ chức từ thiện như Portman Group, Safe Drink Safe hoặc Suzy Lamplurgh Trust vv... cũng đang thực hiện nhiều chiến dịch nhằm cảnh báo mối nguy hiểm của rượu, trong đó tổ chức các buổi toạ đàm để giúp mọi người trong cộng đồng "vượt lên chính mình", nói không với rượu và thuốc lá, đặc biệt trong giới nữ.
KHẮC NAM (Theo ME)