Ấn Độ nhắm mục tiêu chăm sóc sức khỏe miễn phí nửa tỉ người

Thủ tướng Ấn Độ Modi và các thiếu niên ở nước này
Thủ tướng Ấn Độ Modi và các thiếu niên ở nước này
(PLO) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa khởi động chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới với việc triển khai bảo hiểm miễn phí cho khoảng nửa tỉ công dân nghèo nhất của đất nước.

Chương trình đầy tham vọng

Theo CNN, chương trình chăm sóc sức khỏe mới của Ấn Độ có tên chính thức là Chương trình bảo vệ sức khỏe quốc gia. Chương trình đầy tham vọng này đang được truyền thông Ấn Độ gọi là “Modicare”, gợi nhớ đến chương trình chăm sóc sức khỏe quy mô lớn được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng và thực thi. Theo thông tin được giới chức Ấn Độ đưa ra tại buổi chính thức công bố chương trình hồi tuần trước, “Modicare” sẽ chi trả chi phí điều trị tại bệnh viện lên tới 500.000 rupee (khoảng 7.800 USD)/năm cho mỗi gia đình ở nước này. 

Giới chức Ấn Độ đặt mục tiêu số đối tượng thụ hưởng là khoảng 100 triệu gia đình “nghèo và dễ tổn thương”, tương đương với khoảng 500 triệu người, chiếm gần 40% trong tổng số dân của Ấn Độ. Theo Chính phủ Ấn Độ, danh sách các đối tượng được thụ hưởng chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí đã được thống kê. Tới đây, Chính phủ Ấn Độ sẽ gửi thẻ bảo hiểm miễn phí cũng như tờ rơi hướng dẫn sử dụng thẻ cho những người được thụ hưởng. “Đây là sáng kiến chưa từng có tiền lệ về quy mô và phạm vi áp dụng. Nó cho thấy cam kết vững chắc của chúng ta trong việc xây dựng một xã hội Ấn Độ khỏe mạnh”, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh trong một bài viết được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của ông. Trước đó, ông Modi đã đích thân đi phát thẻ bảo hiểm y tế cho người dân ở Ranchi, thủ phủ bang Jharkhand ở miền đông Ấn Độ. Ông Modi cho rằng đó là ngày lịch sử với Ấn Độ. “Chúng tôi muốn cải thiện thể chất của người nghèo và sát cánh với họ trong việc hướng tới cuộc sống khỏe mạnh hơn”, ông nói. 

Theo thống kê do giới chức Ấn Độ công bố, đã có 32 bang ở nước này đăng ký tham gia chương trình. Giới chức Ấn Độ cho biết, khi chương trình được triển khai, người bệnh và gia đình họ sẽ có thể được điều trị ngay tại các bệnh viện tư nhân ở gần nhà thay vì tốn kém chi phí đi lại, ăn nghỉ tại các bệnh viện công ở xa như trước kia. Các bệnh viện công cũng được Chính phủ trợ giá khi chữa bệnh cho những người được thụ hưởng chương trình chăm sóc sức khỏe Modicare. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh viện sẽ có thêm tiền để nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình. Việc một số bệnh nhân chọn điều trị ở các nơi khác cũng giúp giảm tải cho nhiều bệnh viện công tuyến trên ở Ấn Độ.

Chương trình chăm sóc sức khỏe đầy tham vọng nói trên đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan y tế của Ấn Độ. “Đây sẽ là một chương trình thay đổi tình hình. Y tế là quyền lợi căn bản và nhà nước có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho những người không có đủ khả năng chi trả chi phí y tế”, Tiến sỹ K.K. Aggarwal – cựu Chủ tịch Hiệp hội y khoa Ấn Độ - nhận định. Ông Paul – một quan chức trong Chính phủ Ấn Độ - cũng khẳng định chương trình y tế vừa được công bố tập trung vào việc giảm “chi phí khủng khiếp” mà các gia đình phải trả khi có người thân bị bệnh. “Nếu vợ của một người lái xe kéo bị ung thư, ông ấy sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc chấp nhận bán chiếc xe đi để lấy tiền chữa bệnh cho vợ”, ông nói.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, trong năm 2014, mức chi trung bình cho việc chăm sóc sức khỏe tại Ấn Độ là 267 USD/người. Con số này thấp hơn nhiều so với số tiền 9.403 ở Mỹ, 3.377 USD ở Anh hay mức 731 USD ở Trung Quốc. Còn theo ước tính của Chính phủ Ấn Độ, hơn 60% chi tiêu của các hộ gia đình tại Ấn Độ được dùng để chi trả chi phí thuốc men và chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện công không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh khiến nhiều người Ấn Độ buộc phải lựa chọn thăm khám, điều trị tại các bệnh viện tư nhân – những nơi vốn có chi phí khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với khả năng chi trả của những người có múc thu nhập bình quân mỗi năm chưa được 2.000 USD.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, chi phí thăm khám tại các cơ sở y tế tư nhân tại Ấn Độ hiện đang rơi vào khoảng 15 USD/lần, cao hơn nhiều so với mức thu nhập chỉ chưa đến 2 USD/ngày của hàng triệu người dân. Trong khi đó, theo một báo cáo được Tạp chí y khoa The Lancet công bố hồi đầu tháng, chăm sóc sức khỏe không đầy đủ là nguyên nhân dẫn tới khoảng 1,6 triệu ca tử vong mỗi năm ở Ấn Độ, là mức cao nhất trên thế giới. Ngoài chương trình chăm sóc sức khỏe vừa được công bố, Chính phủ Ấn Độ cũng đang tìm cách để đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiệm cận những người dân sống ở các khu vực nông thôn bằng cách lập 150.000 trung tâm chăm sóc sức khỏe trên cả nước. Tổng ngân sách cho chương trình này là 190 triệu USD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, chương trình nói trên ngay sau khi được công bố đã vướng phải một số ý kiến chỉ trích. Theo Công ty nghiên cứu Capital Economics, mỗi năm, khoản ngân sách được phân bổ cho chương trình này chỉ là 200 tỉ rupee (3,12 tỉ USD), tức chiếm khoảng 0,2% tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ, là một con số “tương đối nhỏ” dù Chính phủ Ấn Độ khẳng định chi phí cho chương trình trên thực tế sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu.

Trong khi đó, theo tính toán của Capital Economics, nếu được triển khai một cách đầy đủ và toàn diện, chương trình này có thể tiêu tốn đến gần 780 tỉ USD, một con số lớn đối với nền kinh tế 2,4 nghìn tỉ USD của Ấn Độ. “Việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân có thể mang lại nhiều lợi ích, cả ở khía cạnh kinh tế và các khía cạnh khác. Tuy nhiên, chúng tôi còn hoài nghi về tác động của chương trình Modicare”, Capital Economics nhận định.

Ngoài ra, chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí nói trên được ông Modi công bố trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra tại Ấn Độ trong năm tới. Điều này dấy lên những chỉ trích cho rằng đây là một động thái để thu hút sự ủng hộ của cử tri dành cho ông Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của ông, nhất là trong bối cảnh đảng này đang đối mặt với những chỉ trích về việc tình trạng bạo lực gia tăng ở Ấn Độ. Tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang là một vấn đề lớn ở Ấn Độ. Số bệnh viện công ở nước này hiện còn ít về số lượng và thường xuyên trong tình trạng không được đầu tư đúng mức, thiếu nhân công. Chính vì vậy nên chăm sóc sức khỏe được dự báo sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm được cử tri nước này quan tâm tại cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2019 tại Ấn Độ.

Chất lượng nhân lực để đảm bảo sự thành công của chương trình cũng là một thách thức. Ấn Độ hiện chỉ có khoảng hơn 1 triệu bác sỹ được cấp phép hoạt động và gần 15.000 bệnh viện công. Trong khi đó, theo số liệu thống kê được Chính phủ nước này công bố hồi năm ngoái, tổng dân số của Ấn Độ đã lên đến 1,3 tỉ người. “Thực hiện chương trình trên là rất khó vì tôi nghĩ việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực cũng như đưa ra các cơ chế về thể chế để đảm bảo chất lượng của việc chăm sóc sức khỏe đều là những thách thức lớn”, ông Yamini Aiyar – Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Delhi – bày tỏ. 

Một số ý kiến khác cho rằng chương trình khó có thể đạt được mục tiêu đề ra khi đặt trọng tâm vào việc chăm sóc sức khỏe ở khâu người bệnh nhập viện và điều trị thay vì tập trung vào cải thiện chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, từ đó khiến khả năng tiếp cận của người dân đối với chương trình giảm đi. Việc đảm bảo thực thi chương trình một cách công bằng và minh bạch theo đúng mục tiêu đề ra cũng được xem là một khó khăn trong bối cảnh việc quản trị ở Ấn Độ hiện còn nhiều hạn chế, tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra thường xuyên.

Còn về phía người dân nghèo – những đối tượng thụ hưởng chương trình – viễn cảnh triển khai cũng còn khá mơ hồ. Theo tờ Independent, một phụ nữ nghèo ở Ấn Độ tên Asha, ngoài 40 tuổi, cho biết, mỗi lần đến bệnh viện bà đều mất cả ngày, đầu tiên là xếp hàng chờ trong những phòng chờ đông kín người. Chất lượng nhân viên y tế ở nhiều nơi cũng là một vấn đề đáng quan ngại. “Có lần, tôi đến bệnh viện để điều trị chứng táo bón thì được các nhân viên y tế kê cho thuốc tiêu chảy!”, bà Asha kể về trải nghiệm của mình. Còn khám ở bệnh viện tư thì lại quá tốn kém nên rút kinh nghiệm từ lần khám gần nhất, bà Asha chỉ đến bệnh viện khi sức khỏe có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Cô Sucheta – một người mẹ trẻ có 3 đứa con – cũng cho biết cô hạn chế đến bệnh viện nhiều nhất có thể. Phải xếp hàng lâu, quá đông, chi phí đi lại và thuốc men tốn là 3 lý do chính khiến Sucheta ngại đến bệnh viện nhất. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, bài toán nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng vẫn đang là một trong những “điểm nghẽn” mà Ấn Độ cần tập trung xử lý.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.