Mỗi ngày, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam - Bắc có nhiều đôi tàu khách lưu thông, trong đó các mác tàu hạng nhất (SE) đều có gắn các màn hình tinh thể lỏng (LCD) trên các toa xe ghế ngồi mềm, ngồi cứng để phát hình, với logo “RailTV” nổi lên phía dưới gốc phải màn hình.
Công ty Quảng cáo Truyền thông SEN - chủ sở hữu RailTV đã đưa kênh này lên các đoàn tàu khách cách nay khoảng 10 năm. Các chương trình mà kênh này phát phục vụ hành khách đi tàu mỗi ngày là: quảng cáo thương mại, phim, ca nhạc, hài kịch... Trong đó, chương trình quảng cáo được xen lồng liên tục; còn chương trình phim thì có khá nhiều phim hành động nước ngoài, chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi và người cao tuổi - một trong những đối tượng khách hàng thường xuyên của VNR.
“Màn hình đặt ngay phía trước mặt nên mỗi khi xuất hiện những cảnh phim với những pha hành động có phần hơi bạo lực... dù không muốn xem nhưng cứ thế nó đập thẳng vào mắt”, một khách đi tàu nói.
Theo quan sát, thì VNR gần như giao toàn quyền việc phát hình giải trí trong toa xe và quảng cáo thương mại cho Công ty Truyền thông SEN chứ chưa thực sự tham gia giám sát, thẩm định nội dung thông tin, hình ảnh giải trí mà RailTV mang đến cho khách hàng trên suốt hành trình.
Về vấn đề này, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc VNR xác nhận với PLVN, SEN là một công ty quảng cáo, và thực tế, doanh nghiệp này đã thực hiện việc hợp tác với các công ty vận tải của ngành Đường sắt cách đây khá lâu, trong đó có việc duy trì kênh truyền hình nói trên.
Kênh RailTV phát hình trên tàu khách SE3 |
Trưởng tàu giám sát RailTV?
“Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) ký hợp đồng với SEN từ 10 năm nay. Theo đó, họ được quyền phát các chương trình giải trí, quảng cáo trên các đôi tàu SE1,2 và SE3,4 tuyến Hà Nội - TP.HCM và ngược lại mỗi ngày. Ngoài ra, SEN còn được khai thác quảng cáo trên một số toa xe khách đẹp. Cơ chế hợp tác ở đây là hợp đồng hàng năm; tuy nhiên, số thu về cho doanh nghiệp từ hoạt động này không phải là lớn”, ông Trần Thế Hùng - Tổng Giám đốc HARACO cho hay.
Trả lời câu hỏi có hay không việc Đường sắt đang “thả cửa” về mặt nội dung trên các chương trình giải trí của RailTV, ông Hùng nói thêm: “SEN là doanh nghiệp có chức năng quảng cáo vì thế họ phải thực hiện đúng luật và giấy phép do ngành Văn hóa cấp. Còn trên tàu, thì bấy lâu Trưởng tàu vẫn giám sát nội dung của RailTV”.
Đại diện doanh nghiệp vận tải chủ lực của ngành Đường sắt cũng khẳng định tới đây sẽ cho rà soát lại nội dung hợp tác giữa HARACO với SEN, và nếu có sai phạm thì sẽ chấn chỉnh, xử lý kịp thời. “Thông tin, hình ảnh và nội dung... của kênh RailTV đã phù hợp với các đối tượng hành khách đi tàu hay chưa? Tới đây, công ty cũng sẽ phối hợp để rút kinh nghiệm.”, ông Trần Thế Hùng khẳng định.
Thế nào là một kênh truyền hình giải trí hợp pháp?
Theo quy định, muốn cho ra đời một kênh truyền hình giải trí cần phải có Giấy phép sản xuất kênh chương trình quảng bá với các bước, thủ tục xin cấp phép liên quan đến Bộ Thông tin - Truyền thông.
Trong đó phải có Đề án sản xuất kênh chương trình quảng bá được cơ quan chủ quản phê duyệt, nêu rõ: Tên gọi, biểu tượng, tôn chỉ, mục đích của kênh chương trình quảng bá; nội dung kênh chương trình quảng bá; thời gian, thời lượng phát sóng chương trình của từng ngày trong một tuần; thời lượng phát sóng chương trình mới trung bình trong một ngày; khung chương trình dự kiến phát sóng trong một tháng, đối tượng khán giả. Ngoài ra, còn có các điều kiện khác về nhân sự chịu trách nhiệm, sản xuất chương trình, các điều kiện cơ sở vật chất khác có liên quan...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu