Quân đội là lực lượng nòng cốt mỗi nước trong phòng, chống dịch Covid-19
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, ADMM và ADMM+ có mối liên hệ chặt chẽ, luôn đan xen, bổ sung cho nhau, trong đó ADMM có vai trò trung tâm và định hướng. Hiện nay, hoạt động hợp tác thực chất trong ADMM+ được triển khai thông qua 7 nhóm chuyên gia, bao gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hành động mìn nhân đạo và an ninh mạng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị ADMM-14, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực và cả thế giới, thậm chí có nguy cơ làm biến đổi địa chính trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN phải hứng chịu liên tiếp những đợt thiên tai, bão lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, để lại hậu quả kinh tế-xã hội lâu dài. Hòa bình, ổn định của khu vực lại càng mong manh hơn trước nguy cơ khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, an ninh nguồn nước... Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ASEAN đã thể hiện tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” theo đúng chủ đề Năm ASEAN 2020.
Mặc dù nhiều hoạt động bị hoãn hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến nhưng chúng ta lại chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19 với kết quả cụ thể là một loạt các sáng kiến như: Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tế ASEAN, Kế hoạch tổng thể phục hồi ASEAN hậu Covid-19 đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Bộ Quốc phòng và quân đội là lực lượng nòng cốt trong nỗ lực chung của Chính phủ mỗi nước trong phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nước ASEAN vẫn duy trì được đà hợp tác quốc phòng thông qua việc sử dụng sáng tạo các nền tảng kỹ thuật số phục vụ thông tin liên lạc và thực hiện các cuộc họp trực tuyến.
Hội nghị ADMM-14 đã thông qua một số Tài liệu khái niệm mới và Quy trình hoạt động chuẩn trong ADMM; Kế hoạch hoạt động 3 năm của ADMM giai đoạn 2020-2022; Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về Hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Tuyên bố ghi nhận những tiến triển đạt được của quân đội các nước ASEAN trong việc tăng cường hợp tác thực chất; nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) là nền tảng cho đối thoại chiến lược cũng như hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất; khẳng định cam kết của tất cả các bên trong việc hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng đối với Biển Đông để khu vực này trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982...
Những đóng góp thiết thực
Sáng 10/12, Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thông điệp tới Lễ kỷ niệm.
Tại các điểm cầu có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ (10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại: Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ), Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, đại diện các khách mời của nước Chủ tịch.
Sau Lễ kỷ niệm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã chủ trì Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 được tổ chức trực tuyến. Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cảm ơn sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng các nước ADMM+ và Ban thư ký ASEAN đối với Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nước ADMM+ đã chủ động thích ứng, triển khai nhiều sáng kiến, cách làm mới qua việc sử dụng sáng tạo các nền tảng kỹ thuật số nên hợp tác quốc phòng trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thực hiện nghi thức bàn giao chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ cho Brunei. |
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đã chủ động, kịp thời thích ứng với tình hình mới, tích cực triển khai các ưu tiên, sáng kiến đã đặt ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó, đã tổ chức thành công các hội nghị quân sự-quốc phòng ASEAN thời gian qua, bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả; kịp thời đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh cũng như triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.
Trưởng đoàn các nước nhấn mạnh, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước ADMM+ vẫn tiếp tục chủ động, tăng cường hợp tác; trên cơ sở các nền tảng kỹ thuật số hiện đại vẫn duy trì trao đổi, hợp tác thường xuyên, nỗ lực thúc đẩy sự gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN trong quá trình thích nghi với sự chuyển dịch về địa chiến lược và địa chính trị thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại.
Các đại biểu đánh giá cao những tiến triển của ADMM+ trong 10 năm qua, trong đó có việc thường niên hóa ADMM+ và nâng số lượng các Nhóm chuyên gia ADMM+ từ 5 lên 7, qua đó đóng góp cho việc xây dựng năng lực và tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các nước thành viên ADMM+ nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, vì lợi ích chung của cả khu vực.
Tại hội nghị, Trưởng đoàn các nước ADMM+ đã thông qua và ký Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ về Tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+.
Theo đó, các nước ADMM+ thúc đẩy và tăng cường hợp tác và quan hệ đối tác thông qua ADMM+, cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trên thực tế trong cấu trúc khu vực với ASEAN làm trung tâm, nhằm củng cố và tạo động lực mới cho các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức nảy sinh từ môi trường khu vực trong hiện tại và tương lai, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hội nghị ADMM+ lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Brunei vào năm 2021
Bên lề các Hội nghị, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng và tùy viên Quốc phòng các nước ASEAN và ADMM+ đánh giá cao đóng góp của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng ta đã phải nghĩ xem làm sao để kênh quốc phòng đóng góp vào kiểm soát dịch bệnh và ứng phó với dịch bệnh như là một khu vực thống nhất. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.
Tôi muốn nhấn mạnh tới việc Bộ trưởng Quốc phòng các nước ADMM+ thông qua và ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn chiến lược an ninh của ADMM+. Tuyên bố chung được thông qua nhờ vai trò dẫn dắt của Bộ Quốc phòng Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ADMM và ADMM+ để thúc đẩy sự tôn trọng, tăng cường lòng tin lẫn nhau giữa các nước ADMM+. Nhật Bản đã luôn ủng hộ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ADMM và ADMM+.
Bộ trưởng Kishi Nobuo khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam cả song phương và thông qua ADMM+ để đóng góp cho khu vực và cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong năm 2021 khi hai nước đồng chủ trì Nhóm chuyên gia ADMM+ về Gìn giữ hòa bình.
Đánh giá việc Hội nghị ADMM-14 thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Đại tá Damrong Simakajornboon, Tùy viên Quốc phòng Thái Lan và Đại tá Vongxay Inthakham, Tùy viên Quốc phòng Lào tại Việt Nam cho rằng điều này thể hiện sự đồng thuận, đoàn kết trong ASEAN để cùng vượt qua khó khăn, thử thách, tiến về phía trước.