Tương trợ tư pháp - một nhu cầu, đòi hỏi khách quan
Trong thời đại ngày nay, TTTP là một nhu cầu, đòi hỏi khách quan để giải quyết những vấn đề pháp lý xuyên quốc gia. Cơ sở pháp lý đầu tiên để thực hiện TTTP là điều ước quốc tế giữa các nước và pháp luật của các nước có liên quan về TTTP. Nếu không có điều ước quốc tế thì việc TTTP thực hiện theo pháp luật của nước được yêu cầu, chủ yếu trên nguyên tắc có đi có lại.
Trong lĩnh vực dân sự, trên cơ sở quy định pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế về TTTP mà Việt Nam đã ký kết và thực tiễn TTTP với các nước có thể thấy TTTP về dân sự tại Việt Nam được hiểu là việc các cơ quan có thẩm quyền của các nước hỗ trợ nhau trong thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt trong lĩnh vực dân sự. Để thực hiện TTTP, các cơ quan có thẩm quyền sẽ đưa ra yêu cầu bằng văn bản gọi là ủy thác tư pháp (UTTP).
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định/Thỏa thuận song phương về TTTP (Hiệp định) trong lĩnh vực TTTP về dân sự với các quốc gia/vùng lãnh thổ và gia nhập Công ước Tống đạt với 72 thành viên, trong đó có hầu hết các nước mà Việt Nam có nhiều nhu cầu tống đạt giấy tờ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Canada…
Về thể chế trong nước, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý khá toàn diện cho hoạt động TTTP như Luật TTTP năm 2007, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014), Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015…
Về phạm vi TTTP, Luật TTTP (Điều 10) quy định phạm vi TTTP về dân sự gồm tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến TTTP về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; các yêu cầu TTTP khác về dân sự.
Các Hiệp định (nội dung về dân sự) quy định phạm vi TTTP gồm tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến TTTP về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ và các yêu cầu TTTP khác về dân sự; trao đổi tài liệu, thông tin giữa các cơ quan tư pháp; công nhận và thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và quyết định của trọng tài nước ngoài.
Gỡ vướng để tăng hiệu quả thực hiện TTTP
Mặc dù theo Luật TTTP và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phạm vi TTTP về dân sự rộng như trên nhưng hoạt động TTTP về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài trên thực tế thời gian qua chủ yếu tập trung vào hoạt động ủy thác tống đạt giấy tờ và ủy thác thu thập chứng cứ.
Theo thống kê tại Báo cáo công tác TTTP từ năm 2013 – 2018, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đã gửi đi nước ngoài tổng cộng 18.634 yêu cầu TTTP, đã tiếp nhận 5.333 yêu cầu TTTP của nước ngoài vào Việt Nam.
Với số lượng lớn các yêu cầu TTTP thì Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, các tòa án và cơ quan thi hành án dân sự (cấp tỉnh, thành phố) trên toàn quốc đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện các quy định pháp luật trong nước cũng như các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Đặc biệt, để hướng dẫn áp dụng một số quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự của Luật TTTP, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC đã ban hành Thông tư liên tịch 12 năm 2016 thay thế Thông tư liên tịch số 15 năm 2011.
Thông tư liên tịch 12 đã nội luật hóa Công ước Tống đạt, hướng dẫn chi tiết về cách thức, thủ tục trình tự thực hiện hồ sơ UTTP về dân sự phù hợp các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của BLTTDS 2015 và quy định cụ thể cơ chế thu, nộp chi phí UTTP về dân sự.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện UTTP trong lĩnh vực dân sự vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Một số lượng hồ sơ UTTP gửi ra nước ngoài còn chưa đáp ứng yêu cầu (về biểu mẫu, ngôn ngữ…) nên bị trả lại để bổ sung, hoàn thiện khiến thời gian thực hiện UTTP bị kéo dài; nhiều trường hợp thu, nộp và tạm ứng chi phí chưa được thực hiện đúng và đầy đủ; một số cơ quan thực hiện hồ sơ ủy thác còn chưa nắm rõ các kênh thực hiện (theo Công ước Tống đạt hay theo kênh Hiệp định song phương hoặc áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo kênh ngoại giao) để lựa chọn phương án phù hợp. Những hạn chế, tồn tại này làm giảm hiệu quả thực hiện TTTP, ảnh hưởng đến việc giải quyết các vụ việc dân sự, thi hành án có yếu tố nước ngoài.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã phối hợp xây dựng một tài liệu hướng dẫn chi tiết việc áp dụng quy định pháp luật trong nước và điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự để hỗ trợ cho các cán bộ trực tiếp thực hiện UTTP.
Tuy nhiên, vẫn cần kịp thời gỡ khó cho các cơ quan có thẩm quyền địa phương trong thực hiện UTTP, nhất là việc lập hồ sơ và gửi hồ sơ cho các nước thành viên Công ước Tống đạt do bên cạnh các quy định chung của Công ước thì các nước thành viên lại có những yêu cầu khác nhau về thành phần hồ sơ, ngôn ngữ, chi phí, đầu mối tiếp nhận các yêu cầu UTTP gửi đến nước mình.