Khát nguyên liệu, khát vốn, 50% doanh nghiệp (DN) thủy sản đã không trụ lại được với thị trường, đặc biệt, có đến 80% DN xuất khẩu cá tra đã chết lâm sàng.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn. |
Trong buổi họp mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, khó khăn về nguyên liệu, đặc biệt là cơn khát vốn đã khiến nhiều DN thủy sản rơi vào tình trạng khốn đốn. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 400 DN trên tổng số 800 DN thủy sản bị “đổ vỡ”, trong đó nặng nhất là các DN xuất khẩu cá tra. Hiện chỉ còn 20% DN cá tra tồn tại và phát triển bình thường, còn 80% DN lâm vào tình trạng “hấp hối” và có thể “tắt thở” bất cứ lúc nào.
Người đứng đầu Vasep trần tình, các nhà máy không những không tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép xiết nợ vay trước đó, áp lực này khiến các doanh nghiệp thủy sản tìm mọi cách bán hàng ra một cách nhanh nhất có thể, một mình một chợ mà vẫn phải phá giá, ồ ạt chào bán với giá thấp ở hầu hết các thị trường để kịp đáo nợ.
Hậu quả là cá tra nguyên liệu trong nước xuống tới mức nông dân không có lãi, DN muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn. Bên cạnh đó, laị có thực trạng những DN tuy được ngân hàng cho vay vốn lại dùng số vốn này đầu tư quá trớn, trái ngành nghề vào bất động sản, địa ốc… khiến ngân hàng quay lưng.
Thế nhưng, cũng theo Vasep, đây lại là cơ hội để cơ cấu lại ngành thủy sản. Bởi số DN không còn tham gia xuất khẩu trong giai đoạn này phần lớn là những DN thương mại có doanh số xuất khẩu thấp, nên chỉ làm giảm 5% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Những DN có nhà máy chế biến, có vùng nuôi hoặc có quy trình sản xuất khép kín vẫn giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan so với năm trước.
Thị trường xuất khẩu trong những tháng tiếp theo được dự báo cũng còn rất khó khăn. Hiện các nhà nhập khẩu cá tra tại châu Âu đã và đang khá thận trọng khi nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Họ không dám nhập khẩu ồ ạt và dự trữ nhiều như những năm trước do ngân hàng tại các nước trong khối EU đang thận trọng với các khoản vay của nhà đầu tư để kinh doanh, trong khi DN xuất khẩu cá tra Việt Nam lại ít cho mua nợ như mọi năm.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Tập đoàn Citi Group, nhiều nền kinh tế lớn của EU như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ailen sẽ tiếp tục bị hạ điểm tín nhiệm tín dụng trong năm nay. Hãng xếp hạng tín dụng Moody`s đã đánh tụt hạng tín dụng của hầu hết các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung. Hệ thống ngân hàng của 13 nước châu Âu đã được Moody`s đưa vào tầm ngắm, gồm có Italia, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp…
Việc 1 hoặc 2 hãng xếp hạng tín dụng hạ điểm của một nền kinh tế sẽ khiến các thể chế tài chỉnh thắt chặt điều kiện cho vay. Điều này sẽ càng làm căng thẳng thị trường tài chính châu Âu vốn đang thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và gia tăng sự lo ngại trong giới đầu tư. Vì vậy, xuất khẩu cá tra sang thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong các tháng còn lại nằm trong dự báo cũng ít tiến triển như nền kinh tế của các nước này.
Trước tình hình đó, Vasep đã nhờ Ngân hàng Phát triển (VDB) nghiên cứu giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành cá tra Việt Nam thông qua 2 gói hỗ trợ vốn cho DN để thu mua và tiếp tục nuôi cá tra nguyên liệu. Đối tượng được ưu tiên là các DN có nhà máy chế biến cá tra XK để tiếp tục sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân, đồng thời gián tiếp cứu người nuôi cá.
Ước tính cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, Hiệp hội đề nghị VDB hỗ trợ các DN có hợp đồng XK thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến thu mua.
NGỌC QUÝ