Năm 2012 với ý nghĩa là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, cũng là năm trọng tâm thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2015 theo Chiến lược cải cách và hiện đại hoá hệ thống thuế đến 2020, công tác thuế của Đảng và Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Tạp chí Thuế bình chọn 10 sự kiện công tác thuế tiêu biểu năm 2012 của ngành:
1- Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực duy trì SXKD của cộng đồng các DN và sự phấn đấu quyết tâm của toàn thể CBCC thuế, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đạt dự toán pháp lệnh được giao.
2- Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (QLT) và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với nhiều nội dung được điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), hoàn chỉnh và đồng bộ khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLT.
3- Tích cực thực hiện các chính sách ưu đãi thuế theo Nghị quyết số 29/2012/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, ngành thuế đã xử lý miễn, giảm, gia hạn nộp thuế tổng số tiền khoảng 26.000 tỷ đồng. Số thuế được ưu đãi đã không chỉ giúp NNT giảm thiểu khó khăn về vốn, tạo điều kiện cho các DN duy trì, ổn định SXKD, vượt qua khó khăn trong thời kỳ suy giảm kinh tế, mà còn góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
4- Ngày 1/11/2012, Tổng cục Thuế đã ban hành Tuyên ngôn ngành thuế Việt Nam với 4 tiêu chí: Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới, thể hiện sự cam kết về trách nhiệm của ngành thuế trước Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội.
5- Năm 2012, lần đầu tiên ngành thuế thiết lập hệ thống báo cáo tự động thông qua các chỉ tiêu QLT để thu thập thông tin dữ liệu, phân tích, tổng hợp báo cáo đánh giá, nhận định về tình hình SXKD của DN để phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tham mưu giúp Bộ Tài chính có những giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho DN.
6- Kết thúc năm 2012, dự án ứng dụng CNTT đáp ứng QLT TNCN (dự án PIT) đã hoàn thành việc triển khai tại tất cả 63 Cục Thuế và 672 Chi cục Thuế, khép lại giai đoạn hơn 3 năm xây dựng và triển khai dự án trong toàn ngành. Sự thành công của dự án đã góp phần tích cực vào công cuộc cải cách và hiện đại hoá ngành thuế, hướng tới nền tài chính điện tử tiên tiến và hiện đại.
7- Chỉ tiêu nộp thuế của Việt Nam đã cải thiện được 15 bậc trong Báo cáo xếp hạng kinh doanh 2012 nhờ nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng rộng rãi CNTT vào công tác quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về NNT; mở rộng phạm vi kê khai thuế qua mạng tại 50 Cục Thuế với hơn 200.000 DN thực hiện; tạo bước đột phá trong triển khai các dự án hiện đại hoá quy trình quản lý và nộp thuế qua ngân hàng.
8- Năm đầu tiên thực hiện, ngành thuế đã triển khai thành công Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Toàn ngành đã cấp 15 triệu mã số cho NNT; gần 700 cơ quan thuế (CQT) cấp quận, huyện nhập tờ khai thuế đến từng thửa đất, tính thuế, lập sổ bộ thuế và phát hành thông báo thuế đến từng NNT, tạo tiền đề ban đầu cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý và điều hành thu các khoản liên quan đến đất đai.
9- Đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT với việc nhân rộng sáng kiến tổ chức “Tuần lễ lắng nghe ý kiến NNT”, qua đó chứng tỏ sức ảnh hưởng tích cực với cộng đồng khi trở thành hình thức kết nối hiệu quả giữa CQT và NNT trong việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, nhằm thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ với NSNN.
10- Tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, trong năm, toàn ngành đã hoàn thành tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo CQT các cấp cho cả giai đoạn 2011-2015, với khoảng 14.400 lượt cán bộ được quy hoạch từ cấp Đội thuế trở lên; bổ nhiệm mới gần 1.500 công chức; thực hiện điều động, luân chuyển, luân phiên hơn 3.400 lượt cán bộ; tổ chức đào tạo và tập huấn chính sách, quy trình quản lý cho gần 58.000 lượt công chức, đảm bảo các điều kiện cần thiết, thuận lợi để phát huy năng lực công chức, đáp ứng yêu cầu công tác cải cách, hiện đại hoá quản lý trong giai đoạn mới.
Thanh Lan