Hồi kết nào cho tiến trình hòa bình Trung Đông?

Núi Đền - một địa điểm linh thiêng tại Jerusalem
Núi Đền - một địa điểm linh thiêng tại Jerusalem
(PLO) - Trong những ngày qua, căng thẳng giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang khi Israel thúc đẩy dự luật “Jerusalem to lớn hơn” nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. 

Những diễn biến căng thẳng này cho thấy tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn chưa có hồi kết.

Dự luật “Jerusalem to lớn hơn”

Ngày 24/12/2017, Bộ trưởng Nhà ở và xây dựng Israel Yoav Galant đã phát động kế hoạch xây dựng 300.000 nhà định cư tại Đông Jerusalem.

Truyền thông Israel cho biết kế hoạch này là một phần của dự luật mang tên “Jerusalem to lớn hơn” nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. Theo kênh truyền hình 10, phần lớn các tòa nhà mới sẽ được xây dựng trên khu vực nằm ngoài giới tuyến Xanh xác định các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967.

Ngoài ra, ngày 25/12, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely cho biết nước này đang liên lạc với “ít nhất 10 quốc gia” về khả năng chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem, sau khi Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Trả lời đài phát thanh công cộng, bà Hotovely nói: “Chúng tôi đang liên lạc với ít nhất 10 nước, trong đó có một số nước châu Âu” để thảo luận về bước đi này.

Bà Hotovely cho biết tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “bắt đầu cho làn sóng” những bước đi như vậy. Mặc dù bà Hotovely không nêu tên các nước nhưng đài phát thanh công cộng dẫn những nguồn tin ngoại giao, cho biết Honduras, Philippines, Romania và Nam Sudan nằm trong số các quốc gia đang xem xét bước đi kiểu như vậy.

Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Palestine đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ cân nhắc xem xét lại toàn bộ tiến trình hòa bình. Theo Bộ Ngoại giao Palestine, động thái của Israel là “kết quả trực tiếp” của việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Tổng thống Trump sẽ phải chịu “hoàn toàn trách nhiệm” về những biện pháp của Israel chống lại người dân Palestine.

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cũng cảnh báo các hậu quả nếu Israel hiện thực hóa dự luật “Jerusalem to lớn hơn”. Đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng tuyên bố sẽ cân nhắc “việc xem xét lại toàn diện tiến trình hòa bình Palestine - Israel” trong cuộc họp sắp tới.

Bên cạnh đó, Palestine cũng sẽ tiến hành thêm các nỗ lực ngoại giao tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, thậm chí là tại Tòa án Hình sự quốc tế nhằm đáp trả động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố tranh chấp này. 

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Guatemala Jimmy Morales cho biết ông đã ra chỉ thị dời Đại sứ quán của quốc gia Trung Phi này tại Israel đến Jerusalem sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vài ngày sau khi chính phủ của ông tuyên bố ủng hộ Mỹ trong cuộc tranh cãi về quy chế của thành phố này.

Israel và Palestine đã có những phản ứng trái chiều xung quanh quyết định của Tổng thống Guatemala Morales chuyển đại sứ quán của quốc gia Trung Mỹ này tại Israel đến Jerusalem.

Ngày 25/12, Thủ tướng Israel Netanyahu hoan nghênh quyết định của Guatemala chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, cho rằng các nước khác sẽ làm theo quyết định gây tranh cãi của Mỹ. Trong một tuyên bố, ông Netanyahu khẳng định các nước khác sẽ công nhận Jerusalem và thông báo việc chuyển đại sứ quán, đồng thời nhấn mạnh đây là bước khởi đầu “rất quan trọng”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine tuyên bố việc Guatemala quyết định chuyển đại sứ quán tới Jerusalem là hành động “bất hợp pháp và đáng xấu hổ”. Tuyên bố của Bộ trên nhấn mạnh hành động này đi ngược lại mong muốn của giới lãnh đạo nhà thờ ở Jerusalem cũng như nghị quyết của ĐHĐ LHQ lên án quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Liên quan đến việc Guatemala tuyên bố chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem, ngày 25/12, hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên viên cao cấp Boris Dolgov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Guatemala là quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ trong mọi lĩnh vực nên quyết định của quốc gia này về việc chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem là hoàn toàn dễ hiểu.

Chuyên gia Dolgov cho biết, Guatemala phụ thuộc vào Washington từ tài chính, chính trị, ngoại giao tới quân sự nên có thể hiểu quyết định chuyển đại sứ quán ở Israel đến Jerusalem là do những yếu tố nói trên và điều này phù hợp với chính sách của Mỹ. Ông cũng dự đoán có thể sẽ có thêm những quốc gia phụ thuộc vào Washington “đi theo vết xe đổ” của Guatemala nhưng nhấn mạnh sẽ không có nhiều nước làm như vậy.

Đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Palestine tại thành cổ Jerusalem
Đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Palestine tại thành cổ Jerusalem

Nhiều thách thức

Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel chiếm đóng miền Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh năm 1967 và năm 1980 đơn phương tuyên bố toàn bộ thành phố là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. 

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của cộng đồng quốc tế về nguy cơ tái bùng phát căng thẳng Trung Đông, ngày 6/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố tranh chấp này. Quyết định này của Tổng thống Trump đã đảo ngược chính sách được chính quyền Mỹ thực thi trong hàng thập kỷ qua, theo đó quy chế đối với thành phố này phải được quyết định thông qua đàm phán với người Palestine. 

Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại khắp các vùng lãnh thổ Palestine và các nước Arab cũng như sự chỉ trích gay gắt của nhiều nước trên thế giới, coi đây là một bước đi nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông và dập tắt hy vọng của người Palestine về một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. Các cuộc biểu tình phản đối cũng đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Hồi giáo.

Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố tranh chấp này đến nay, các vụ biểu tình phản đối của người Palestine và những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra gần như hàng ngày tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Bạo lực giữa hai bên đã làm ít nhất 12 người Palestine thiệt mạng.

Nhằm bác bỏ hiệu lực pháp lý của mọi thay đổi đối với quy chế của Jerusalem, sau quyết định của Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel, ngày 18/12, HĐBA LHQ đã tổ chức thảo luận kín và bỏ phiếu về Nghị quyết do Ai Cập soạn thảo, theo đó kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 14/15 thành viên của HĐBA LHQ đã bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết này. Tuy nhiên, Mỹ nắm giữ quyền phủ quyết, là quốc gia duy nhất bỏ phiếu chống đối với nghị quyết kêu gọi Washington rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 

Các nhà phân tích cho rằng, tuy kết quả bỏ phiếu của HĐBA LHQ không có tác động ảnh hưởng tới địa vị pháp lý của Jerusalem, song cho thấy sự cô lập của Mỹ tại HĐBA. Điều này có thể gây ra tình cảm xấu của người Palestine và thế giới Hồi giáo đối với Mỹ, đồng thời gây quan ngại cho các quốc gia đồng minh phương Tây.

Sau khi HĐBA LHQ không thể thông qua nghị quyết kêu gọi Washington rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel do bị Mỹ phủ quyết dù nhận được sự ủng hộ từ 14 thành viên khác của HĐBA, ngày 21/12, ĐHĐ LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết bác bỏ bước đi gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Trump khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, tái khẳng định quy chế của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán.

Người đứng đầu Cơ quan An ninh nội địa Shin Bet của Israel, ông Nadav Argaman vừa phải lên tiếng thừa nhận rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã gây ra sự bất ổn lớn hơn. Và với việc Israel thúc đẩy dự luật “Jerusalem to lớn hơn”, tiến trình hòa bình Trung Đông thực sự đang đứng trước nhiều thách thức.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chaebol - trụ cột lâu đời của nền kinh tế Hàn Quốc ra đời và phát triển như thế nào?

Samsung luôn giữ vị thế chaebol hàng đầu tại Hàn Quốc. (Ảnh: mekongasean.vn)
(PLVN) - Là trụ cột lâu đời của nền kinh tế thần kỳ Hàn Quốc, các chaebol là những tập đoàn lớn do gia đình điều hành, chiếm phần lớn trong nền kinh tế của xứ sở kim chi. Bắt nguồn từ các từ tiếng Hàn “chae” (sự giàu có) và “bol” (gia tộc), các chaebol bắt đầu hình thành từ sau Thế chiến 2.

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.