[links()] Một tuần sau sự cố rò nước trên đập Thủy điện Sông Tranh 2, hôm qua - 26/3, Đoàn công tác gồm đại diện của Quân khu 5, Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã có mặt tại khu vực này.
Sẽ can thiệp để “mở cửa”
Khi phát hiện sự cố rò nước trên thân đập Thủy điện Sông Tranh 2, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện 3 luồng quan điểm: Các bên liên quan tới dự án (BQL Dự án điện 3, Cty CP Tư vấn Xây dựng điện 1…) khẳng định, công tác thiết kế “đúng, chuẩn”, nước thấm qua thân đập về phía hạ lưu là chuyện “bình thường”…
Trong khi trao đổi với PLVN, các nhà khoa học độc lập đều nhấn mạnh: “Khe nhiệt được thiết kế không phải là để thoát nước. Về nguyên lý, thân đập phải khô. Trường hợp này, nước chảy thành dòng về hạ lưu qua các khe nhiệt rõ ràng là có lỗi kỹ thuật, nhưng không thể vỡ đập…”, một số chuyên gia khác còn khẳng định “Những cú nỗ do động đất kích thích trong khu vực thủy điện không phải là tác nhân gây rò nước trên thân đập.”…
Có thể thấy, những quan điểm này dù đã có sự trấn an dư luận, song nó vẫn chưa thực sự tạo được cảm giác yên tâm tuyệt đối đối với nhân dân sống ở khu vực hạ du. Đặc biệt, sau khi EVN và Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức họp kín bàn về sự cố hôm 20/3 và mới đây - ngày 25/3, lại xuất hiện biển “cấm vào” và hàng rào B40 được dựng lên ở lối vào khu thân đập - khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu kết luận vừa được công bố có chính xác, toàn diện hay cần có cần sự trợ giúp từ các chuyên gia độc lập trong khảo sát, đánh giá và khắc phục sự cố?
“Tôi cho rằng, chuyện hạn chế ra vào khu vực nhà máy, có thể do BQL Dự án điện 3 đang xử lý sự cố nên mới rào lại thôi. Về phía chính quyền, tôi đảm bảo nếu có đoàn kiểm tra nào vào làm việc, chúng tôi sẽ can thiệp để BQL Dự án “mở cửa”. Vì chính quyền, nhân dân và bản thân tôi rất muốn sự cố này sớm được khắc phục.” - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong nói với PLVN.
Cũng theo ông Phong, đến hôm qua (26/3), kết luận ban đầu về sự cố này ông mới chỉ nghe qua chứ chưa nhận được văn bản chính thức. Tại thân đập, nước vẫn tuôn chảy tắng xóa về phía hạ lưu. Lưu lượng nước tuy có giảm nhưng không đáng kể so với những ngày trước đây (30lít/giây).
Vì sao Quân đội vào cuộc?
Cũng trong ngày hôm qua, Đoàn công tác của Quân khu 5, Sở NN&PTNT Quảng Nam, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã đến Thủy điện Sông Tranh 2 để kiểm tra tình hình. Trao đổi với PLVN, Chủ tịch Đặng Phong cho hay: “Một Phó Chủ tịch của chúng tôi cũng đi cùng đoàn này. Tôi cho rằng, chuyến khảo sát vào thời điểm này, một phần cũng vì sự cố rò rỉ nước trên đập Thủy điện Sông Tranh 2”.
Theo ông Phong, trước đây ít thấy những đợt kiểm tra như thế này. Được biết, hàng năm, UBND huyện Bắc Trà My thường phối hợp với BQL. Dự án điện 3 tiến hành lên kế hoạch cho công tác phòng chống lụt bão.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - người tham gia Đoàn công tác trên thì: “Quân khu 5 và các cơ quan chức năng đi là để khảo sát, tìm hiểu, lên kế hoạch cho công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn quân khu trước mùa mưa bão năm nay. Chuyện khắc phục sự cố đập thủy điện không phải là việc của Đoàn công tác mà là công việc của các nhà chuyên môn”.
EVN thừa nhận nước thấm chưa đúng sơ đồ Đúng như nhận định của một chuyên gia trên PLVN, hôm qua (26/3), EVN thừa nhận hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là chưa đúng với sơ đồ thấm và thoát nước theo thiết kế. Theo EVN, nguyên nhân chính của hiện tượng này do hệ thống ống thu nước bố trí trong hành lang thu nước ở thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập. Một số ống thu nước giữa các tầng hành lang bị tắc, nước ứ đọng nhiều trong hành lang, không thoát hết về hố thu… |
Tuấn Anh