Trong góc khuất của riêng mình, Kim Anh tâm sự rằng cô vẫn thường tìm thấy cho mình những nỗi niềm riêng không ai hay biết. Cô gái cũng muốn thời gian xóa nhòa mọi thứ và mọi người không nhớ đến mình là một nữ sát thủ sau khi vụ án “nữ sinh giết người tình trong xe Lexus” kết thúc...
1. Khi biết chúng tôi có ý gặp gỡ và nói chuyện với một số phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn 4, nhiều đồng chí trinh sát và cán bộ quản giáo tại đây tủm tỉm hỏi tôi: “Nhà báo có gặp Kim Anh không?
Dạo này mấy phóng viên lên đây đều tìm gặp Kim Anh. Chắc người quen cả hả anh?”. Tôi cười và thấy bất ngờ trước thông tin của các anh bởi mới năm ngoái đây thôi, phiên tòa xét xử vụ án này kết thúc đã khép lại một vụ án hình sự điểm trong năm. Hôm ấy tôi cũng là người có mặt và chứng kiến.
Thông tin về vụ án có nhiều và dư luận cũng có những luồng ý kiến trái chiều, nhưng khi nghe đến tên Kim Anh, tôi vẫn muốn biết cô sống ra sao trong suốt thời gian qua. Ngày phiên tòa sơ thẩm vụ án kết thúc, cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh ấy khóc rũ rượi, vàng vọt, xanh xao, thiếu sức sống, thiếu niềm tin. Khuôn mặt ấy khó lẫn đi đâu được bởi đó là hình ảnh của một con người như mất hết nghị lực vào cuộc sống sau một biến cố thăng trầm khó có thể quên trong cuộc đời mình.
Tôi bước vào khu giam nữ của Phân trại số 1, nơi có hơn 300 phạm nhân nữ đang sinh hoạt, cải tạo. Quản giáo Hoa (vừa ra trường, mới lên đây công tác) tâm sự: “Ở đây mình em quản lý từng này phạm nhân nữ anh ạ. Cũng mệt lắm, lúc ra lúc vào nhưng là công việc nên lúc nào cũng phải cố gắng. Hôm trước lên đây, cũng có mấy chị nhà báo tìm gặp Kim Anh nhưng thấy tinh thần của phạm nhân nữ này không được tốt lắm!”.
Kim Anh chưa muốn gặp nhà báo ngay. Tôi phải đợi. Bằng chứng là cán bộ quản giáo phải cử người đi tìm cô một lúc lâu.
Kim Anh những ngày trong trại... (Ảnh nguồn Internet)
2. Rồi nữ phạm nhân trong vụ án “xe Lexus” cũng xuất hiện trước mặt tôi với vẻ bẽn lẽn và giữ ý theo cách thông thường nhưng có phần hơi ngại. Tôi chuyển một vài thông điệp của bạn bè và những người thầy đã từng dạy dỗ Kim Anh, nét mặt nữ phạm nhân như thoáng ra và nở nụ cười rạng rỡ. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi có lẽ cũng vì thế mà có phần cởi mở hơn lúc ban đầu.
Khác với lần trước gặp Kim Anh tại phiên tòa, thần sắc cô gái này tươi tỉnh hơn. Theo Kim Anh, cô có được điều đó là nhờ trong thời gian thụ án, cô đã tìm lại được nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Đã có nhiều người thân và bạn bè động viên cô luôn suy nghĩ lạc quan khi chặng đường phía trước còn rất dài và gian nan.
Kim Anh tâm sự với tôi về niềm vui đầu tiên của cô tại Trại giam Phú Sơn 4 này: “Em vừa tập văn nghệ liên tục gần một tháng trời cùng các chị trong đội múa. Trong các tiết mục múa của Trại giam Phú Sơn được giải Nhì toàn đoàn vừa qua, tiết mục múa “Lạc Rồng” mà em tham gia được đánh giá cao. Tập văn nghệ nhiều nên mấy hôm nay cũng hơi mệt, tinh thần chưa được thoải mái anh ạ”.
Kim Anh cho biết, sau khi vụ án “xe Lexus” khép lại với bản án 14 năm tù, cô cảm thấy cuộc sống rất bế tắc. Có lẽ do báo chí rất quan tâm đến vụ án này mà hầu như ở Trại giam Phú Sơn 4 này, ai ai cũng nghe đến tên cô và truyền tai nhau câu chuyện của cô.
Kim Anh giãi bày: “Chuyện cũ không muốn nhắc lại làm gì anh ạ, nhưng quả thực em rất xấu hổ trước mọi người”. Nữ phạm nhân cho biết, cũng chính vì lý do này mà nghe tin có nhà báo muốn gặp, cô đã rất lưỡng lự để đưa ra quyết định đồng ý.
Nước mắt cô gái trẻ rơi trong suốt phiên tòa. (Ảnh nguồn Internet)
3. Trong câu chuyện của tôi và Kim Anh, cô nhắc nhiều về thời gian đầu mới vào Trại giam Phú Sơn 4. Thụ án tại đây được 3 tháng nhưng cô đã được học một số công việc liên quan đến kéo sợi, làm găng tay và các sản phẩm may mặc hàng ngày. Khi công việc bắt đầu nhiều hơn thì bất ngờ cô lại chuyển sang đội văn nghệ và tập từ đó cho đến hôm hội diễn.
Cùng buồng giam Kim Anh có hơn 40 phạm nhân, những người này đã giúp cô có thêm nhiều kinh nghiệm sống mới. Bạn thân của Kim Anh từ ngày còn học phổ thông là Vân Anh cũng đang cải tạo tại đây.
Đón Kim Anh vào trại, Vân Anh đã giúp cho người bạn cùng lầm lỡ như mình khỏi bỡ ngỡ ban đầu và gỡ bỏ dần mặc cảm. Chính người bạn này đã giúp Kim Anh ổn định tinh thần cũng như làm quen với cuộc sống nơi đây. Mặc dù vậy, chỉ còn ít ngày nữa, rất có thể Vân Anh sẽ được hưởng đặc xá của Đảng và Nhà nước.
Việc Vân Anh được về nhà khiến Kim Anh rất mừng cho bạn nhưng cũng không khỏi lo lắng: “Em có Vân Anh là bạn, lần này cô ấy về hẳn nên em chưa biết có ai để tâm sự, chia sẻ cả anh ạ. Mọi người trong khu đều rất tốt nhưng tìm được một người để giãi bày đâu phải dễ dàng”.
Nói đến đây Kim Anh bất giác thở dài, cô kể: “Em cũng nhớ nhà nhiều. Ở đây nắng hơn Cao Bằng quê em nhưng cũng vẫn là không khí trung du nên em cũng thích nghi được”.
Trong hoài niệm của nữ phạm nhân trẻ tuổi này, nỗi nhớ về quãng thời gian còn là một sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có lẽ vẫn luôn thường trực. Những người thầy và những người bạn khi cô còn đến trường là những hình ảnh nhiều kỉ niệm hơn cả.
Kim Anh vẫn giữ thói quen đọc sách khi vào trại, dù không có sẵn. Cô kể về thầy Nguyễn Tiến Dũng - một giảng viên “thân thiện”: “Thầy ấy không chủ nhiệm em nhưng dạy em và là một người thầy thân thiện. Hồi ấy thầy thường quan tâm đến mọi người trong lớp và cho mọi người nhiều lời khuyên”. Biết thầy cô giáo cũ hỏi thăm mình, Kim Anh quả quyết với tôi: “Bố mẹ em lên đây thăm em được một đôi lần. Lần thăm tới, em sẽ gọi điện về hỏi thăm thầy, cám ơn thầy đã động viên em tu dưỡng”.
Kim Anh nhất định không cho tôi chụp ảnh, cô cười gượng: “Em không thích màu áo tù. Nhìn nó, mọi người như chưa quên câu chuyện của ngày hôm qua anh ạ”.
Tôi động viên Kim Anh và chúc cô giữ gìn sức khỏe để có thể cải tạo tốt trong quãng thời gian còn lại. Trong ánh mắt ánh lên niềm hy vọng ấy, Kim Anh như vẫn còn ám ảnh nhiều do quá khứ đè nặng.
Ngày ấy và bây giờ, số phận của cô đã có một lối rẽ mới mà chính cô cũng không mong muốn và nghĩ tới. Duy có điều, người viết bài này gặp Kim Anh như một sự tình cờ và cũng vì tình cờ mà câu chuyện mới có phần cởi mở như vậy.
Lạ mà quen, quen mà lạ bởi một phần bắt nguồn từ tâm hồn cô gái của vụ án ngày nào đang cố gắng hướng tới tương lai bằng tất cả những gì từ sâu thẳm trong cô đang đánh thức: Một niềm tin và một sức sống mới, một góc khuất không dễ nhìn nhưng đáng trân trọng và cần được bao dung...
Ngọc Trìu