Trong dự thảo luật giáo dục đại học (GD ĐH) được trình tại kỳ họp này, nhiều quy định đã được chỉnh sửa nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục đại học |
Trách nhiệm bộ trưởng được quy định cụ thể
Tại phiên họp này, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban TVQH đã chỉnh sửa khoản 3 Điều 37 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học; yêu cầu tối thiểu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp để bảo đảm chất lượng đầu ra của GDĐH; bổ sung tại khoản 3 Điều 53 trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH, chuẩn quốc gia đối với cơ sở GDĐH và chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH.
Đồng thời, để tăng cường trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc bảo đảm và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, Ủy ban TVQH đã chỉnh sửa Điều 51 dự thảo luật theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở GDĐH trong việc đảm bảo chất lượng GDĐH, theo đó cơ sở GDĐH có trách nhiệm thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng GDĐH; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng; tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở GDĐH; duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng.
Luật GD ĐH cũng đã được bổ sung, cụ thể hóa theo hướng làm rõ mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng; đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm định chất lượng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng nhằm xác nhận mức độ chất lượng của cơ sở GDĐH để có hướng cải thiện, nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng chứ không phải để xử lý vi phạm, do vậy, Ủy ban TVQH đã bổ sung Điều 54 về sử dụng kết quả kiểm định chất lượng mà không quy định về chế tài xử lý khi không đạt kết quả kiểm định chất lượng.
Điều 53 về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng quy định rõ địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động và thẩm quyền cho phép thành lập, cho phép hoạt động.
Tuy nhiên, do kiểm định chất lượng là vấn đề còn rất mới ở nước ta và đang trong giai đoạn thử nghiệm, Ủy ban TVQH đề nghị tại khoản 3 Điều 53 giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng của GDĐH; quy định nguyên tắc hoạt động, điều kiện và tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cũng như việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Dự thảo luật cũng giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Cần có lộ trình cho quyền tự chủ
Tại Kỳ họp thứ 2 QH XIII, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự hịu trách nhiệm; có ý kiến đại biểu đề nghị viết lại các quy định về quyền tự chủ thành một chương.
Ủy ban TVQH cho rằng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở GDĐH, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật và được quy định bằng các quy phạm pháp luật cụ thể tại các điều, khoản cụ thể của Luật này, không nên viết lại thành chương riêng để tránh trùng lặp. Tuy nhiên, do các cơ sở GDĐH phát triển không đồng đều và hiện tại phần lớn các cơ sở GDĐH còn chưa đạt được chuẩn mực của một cơ sở GDĐH thực thụ nên việc thực hiện quyền tự chủ cần có lộ trình thích hợp.
Dự luật cũng đã điều chỉnh khoản 2 Điều 33 theo hướng hạn chế quyền tự chủ của cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ và quy định rõ chế tài xử lý cơ sở GDĐH có hành vi vi phạm khi thực hiện quyền tự chủ.
Về Việc giao quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, được xem là một xu hướng phù hợp. Dự thảo Luật đã quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 35, theo đó cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Việc cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm mở ngành, chuyên ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là xu thế tất yếu khách quan. Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta hiện nay chưa phát triển đủ mạnh để có thể tự điều tiết hiệu quả giữa nhu cầu sử dụng và việc đào tạo nguồn nhân lực; vì vậy, vấn đề này vẫn cần phải giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thẩm quyền quyết định.
Vân Tùng