Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có Văn bản 163/2023/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để thực hiện Công điện 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xung quanh các đề nghị của HoREA, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA đã có cuộc trao đổi với báo chí.
HoREA kiến nghị nới các “điều kiện vay vốn” để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS), nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường BĐS vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay, quan điểm của ông như thế nào?
- Cần có sự sòng phẳng với nhau ở điểm này. Doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS cũng giống như những DN kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực khác. Thông tư 06 của NHNN là chính sách mang tính quy định tổng thể chung cho toàn nền kinh tế, từ những DN là tập đoàn kinh tế lớn cho đến những người có thu nhập thấp. Đó là chính sách mang tính mở rộng, không phải dành riêng cho một lĩnh vực nào, càng không phải cho lĩnh vực BĐS.
Kinh doanh BĐS là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn, DN BĐS cần những chia sẻ, hỗ trợ để tháo gỡ và cùng vượt qua khó khăn nhưng không có nghĩa là tạo ra một chính sách đặc thù riêng hay quyền lợi riêng cho lĩnh vực kinh doanh này, mà trong lĩnh vực đặc thù đó lại không có người nghèo, người thu nhập thấp nào được hưởng lợi. Việc đòi quyền lợi riêng cho BĐS là không hợp lý.
Hơn nữa, tín dụng vào BĐS là lĩnh vực có rủi ro cao, nên cần phải kiểm soát chặt chẽ, vậy nên, câu hỏi đặt ra ở đây là lý do gì lại phải hạ chuẩn cho vay trong lúc kinh tế còn nhiều khó khăn, rất cần dành nguồn vốn đầu tư cho các ngành, nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên khác như: xuất nhập khẩu, nuôi trồng thủy sản… hay một số lĩnh vực ưu tiên như tăng trưởng xanh,...
Việc đầu tư vào BĐS tràn lan như thời gian qua đã và đang cho thấy sự bất hợp lý. Ngân hàng (NH) không thể đi theo dòng tiền đó được. Do vậy, không có chuyện nới lỏng cho một lĩnh vực nào đó đặc thù. Mọi điều kiện, nguyên tắc cần phải được bảo đảm.
Ngành NH và các TCTD rất trân trọng những ý kiến tham gia đóng góp mang tính xây dựng và mang tính tổng thể. Với các kiến nghị của HoREA, tôi cho rằng, có những ý kiến cũng đáng ghi nhận nhưng cũng rất nhiều ý kiến cần xem xét lại. Liệu các kiến nghị đó có phải là tốt cho xã hội, hay cuối cùng chỉ là bằng mọi cách để cứu BĐS thương mại? Khi được cứu rồi thì trong tương lai có bảo đảm được có nhà ở cho người thu nhập thấp không? Hay lại giống cách đây 10 năm, nhận gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nhưng đến bây giờ nhà ở xã hội vẫn còn rất thiếu cho người có thu nhập thấp.
Dù thị trường BĐS đã có tín hiệu phục hồi, tuy nhiên, các DN BĐS vẫn phản ánh còn nhiều khó khăn tác động tiêu cực đến sự phục hồi của thị trường. Vậy, theo ông, giải pháp cho những khó khăn của thị trường BĐS hiện nay là gì?
- Không chỉ DN BĐS khó khăn, mà thực tế cho thấy, hiện nay tình hình DN nói chung vẫn đang rất khó khăn, rất nhiều đơn hàng của DN sụt giảm, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất, người lao động thiếu việc làm… Dù đang rất khó khăn nhưng các DN thuộc nhiều lĩnh vực đều đang rất nỗ lực tìm cách vượt qua.
Đối với lĩnh vực BĐS, theo tôi, để xảy ra những khó khăn như hiện nay, các DN trong ngành trước hết cần tự xem xét lại những quyết định của mình khi bỏ tiền đầu tư vào đất nông nghiệp hoặc khu vực đất đai chưa được phê duyệt, chưa được quy hoạch? Rõ ràng là, không thể đấy hết trách nhiệm cho chính quyền, bắt NH phải gánh trách nhiệm chung.
Hiện nay, dòng tiền “đọng” lại rất nhiều ở đất đai không đủ thủ tục pháp lý và theo phản ảnh của các DN BĐS thì có tới hơn 70% là những khó khăn liên quan đến các vấn đề pháp lý. Thủ tục pháp lý không đầy đủ, dự án không hoàn thiện được, thậm chí nhà xây rồi nhưng giấy tờ pháp lý chưa đủ thì cũng không đủ điều kiện, người dân cũng không mua. Với những dự án như vậy, NH có bơm vốn vào thì cũng không hiệu quả. Thực tế cho thấy, có những NH sẵn sàng cho vay dự án BĐS với lãi suất thấp hơn gói 120.000 tỷ đồng nhưng không cho vay được vì thủ tục pháp lý của dự án chưa đầy đủ. NH sẵn sàng dành vốn cho những dự án thực, nhu cầu thực, có đầy đủ pháp lý, có hiệu quả cho xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua khó khăn, chủ đầu tư cần phải chấp nhận rủi ro, thậm chí là phá sản. Bởi, nếu lúc nào cũng đặt ra vấn đề “gỡ”, “giải cứu” DN BĐS, thì trong tương lai giá nhà còn lên đến đâu khi mọi chi phí lãi vay trong hàng chục năm lại được các DN cộng vào giá thành sản phẩm. Thậm chí, dù NH có điều chỉnh giảm lãi vay nhưng chưa chắc chủ đầu tư đã giảm giá bán nhà cho người dân.
Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN nói chung, DN BĐS nói riêng vượt qua khó khăn, ông có những kiến nghị như thế nào?
- Ngoài các giải pháp mà Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã và đang triển khai tích cực thời gian qua, tôi cho rằng cần nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ví như với thị trường BĐS là: Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, lĩnh vực nông nghiệp là Bộ NN&PTNT, lĩnh vực đầu tư công thuộc Bộ KH&FĐT, Bộ Tài chính… Đồng thời, để đáp ứng được quy luật cung - cầu thị trường thì các DN luôn phải tự chủ trong kinh doanh, lường trước mọi rủi ro có thể xảy đến.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò các hiệp hội ngành nghề để khi gặp khó khăn các tổ chức này sẽ thay mặt các DN làm việc với nhau để tìm cách tháo gỡ, tìm tiếng nói chung, đề xuất các giải pháp và kiến nghị lên các cơ quan quản lý. Trường hợp không thể tháo gỡ được hoặc vượt thẩm quyền thì mới báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, không thể cứ gặp khó khăn là “kêu” lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nếu thực hiện được như trên sẽ phát huy được vai trò các hiệp hội ngành nghề, các tư lệnh ngành cùng vào cuộc và đưa ra quyết định trong thẩm quyền. Chính phủ được “giảm tải” trước khối lượng công việc quá nhiều như hiện nay và các giải pháp đưa ra cũng sẽ sát thực tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!