[links()] Kết luận của Thủ tướng về vụ việc Tiên Lãng được các tầng lớp nhân dân khắp cả nước phấn khởi đón nhận, đặc biệt là những người nuôi trồng thủy sản ở các vùng bãi bồi, bãi triều ven biển...
Giữ kỷ cương, pháp luật
Ông Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Cty Tư vấn Thương mại và Đầu tư Tất Thắng - từ năm 2003 đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi trồng thuỷ sản rộng 16 ha tại khu vực bãi bồi Đông Nam Điền (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bày tỏ: “Chúng tôi hoan nghênh việc Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan xử lý vụ việc. Tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng là phải xử nghiêm vụ này theo đúng quy định của pháp luật. Có thế mới giữ được kỷ cương, pháp luật.” Khẳng định hành động của ông Đoàn Văn Vươn dùng vũ khí chống lại người thi hành công vụ là "không thể chấp nhận được",
ông Thắng cũng cho rằng: Về phía chính quyền cần nghiên cứu thật chắc các văn bản luật, tránh để xảy ra các sự việc đáng tiếc làm mất uy tín của mình. Thay mặt những hộ đang nuôi trồng thuỷ sản tại các khu vực đầm bãi, ông Thắng kiến nghị và mong muốn được chính quyền địa phương giao đất ổn định, lâu dài để yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến lên làm ăn lớn.
Ông Trần Văn Túc, chủ trang trại nuôi cá song tại ô 4, khu vực bãi bồi Đông Nam Điền, nhận xét: “Tinh thần và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng rất công minh, rất thẳng thắn. Thực tế, người nuôi cần được giao đất dài hạn để cải tạo đầm bãi, nuôi trồng thuỷ sản. Nếu thời gian giao đất quá ngắn thì không thể làm được. Ông Túc đề nghị thời hạn giao đất/đấu thầu cho thuê đất nên quy định thấp nhất là 10-15 năm và mong muốn Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất bởi nay người nuôi phải đi vay mượn bên ngoài là chủ yếu.”
Quyết sách kịp thời
Ông Lê Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa - cho biết: “Tôi rất vui mừng và thấy rằng, đây là quyết định rất kịp thời, đúng hướng và hợp lòng dân. Thanh Hóa hiện là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển khá cả về diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản, phấn đấu từ nay đến năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản sẽ đạt khoảng 19.000 ha.
Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành Tài nguyên môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giao đất, cho thuê đất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục giao đất cho thuê đất, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư có năng lực trong và ngoài nước vào đầu tư trên địa bàn”.
Anh Nguyễn Văn An - Giám đốc Cty TNHH An Thái - người đã có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi ngao ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) chia sẻ: “Vụ việc ở nhà ông Đoàn Văn Vươn thu hút sự quan tâm của tôi cũng như đông đảo bà con nuôi ngao trong xã, Thủ tướng đã có những quyết sách kịp thời, rất hợp lòng dân, lấy lại công bằng cho người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.”
Anh An cho biết, Hải Lộc là xã có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn trong tỉnh với đối tượng nuôi chính là con ngao Bến Tre. Nhưng theo quy định của UBND huyện, người dân chỉ được thuê đất nuôi trồng thủy sản trong vòng 5 năm dưới hình thức khoán thầu và mỗi hộ được thuê tối đa là 2ha.
Thời gian cho thuê đất 5 năm là quá ngắn, diện tích đất cho thuê là quá nhiều với những gia đình ít có điều kiện kinh tế và quá ít với những hộ muốn mở rộng diện tích, quy mô nuôi trồng... “Vì thế, có thời điểm tại địa bàn đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, thuê đi thuê lại diện tích, giá thuê lại đất cao gấp hàng chục lần so với mức giá ban đầu của chính quyền địa phương...”
Hiện nay đa số ý kiến, nguyện vọng của người dân trong xã đều muốn được nhà nước giao đất lâu dài hoặc với thời gian lâu hơn để người dân có thể vững tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề...
Cần chính quyền tận tình hướng dẫn
Theo dõi rất kỹ diễn biến vụ thu hồi đất, cưỡng chế và hủy hoại tài sản công dân ở huyện Tiên Lãng, anh Lưu Văn Nguyên - một chủ đầm nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 3.800 m2 ở xóm 5, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn (Ninh Bình)- cho rằng, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ là rất thoả đáng, hợp lòng dân, mang tính pháp lý, tính đạo lý cao.
Để nông dân vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương, theo anh Nguyên, “khi hết thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, trong trường hợp nếu họ tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất, đề nghị các bộ ngành và các cấp chính quyền hướng dẫn, cho phép chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần sớm tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó khích lệ tinh thần khai hoang mở rộng phát triển sản xuất, làm giàu cho gia đình và đóng góp của cải cho xã hội.”
Về phần mình, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn- ông Lưu Danh Tuyên - cho rằng, vụ việc Tiên Lãng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Theo ông Tuyên, chỉ đạo của Thủ tướng là rất rõ ràng, thỏa đáng, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước, nhưng trên cơ sở Kết luận đó, phải đi đến tận gốc của vấn đề theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Ở đây, phải xem xét đến trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra sự việc rất đáng tiếc này. "Nếu ai vi phạm hành chính thì phải bị xử lý hành chính, ai vi phạm pháp luật về hình sự thì phải đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật" - ông Tuyên nói.
Hàng triệu hộ nông dân yên tâm hơn “Trong bối cảnh thời hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai năm 1993 đã sắp hết, nhân dân rất mong muốn Nhà nước có quan điểm và thái độ rõ ràng để hàng triệu hộ gia đình yên tâm sản xuất trên diện tích đất đã được giao. Chính vì thế, việc đánh giá đúng sai trong các quyết định giao đất của huyện Tiên Lãng không chỉ bó hẹp trong vụ việc này mà có ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước” - ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định khi nói về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng. Vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra trong bối cảnh thời hạn giao đất 20 năm theo Luật Đất đai năm 1993 đã sắp hết, hàng triệu hộ gia đình đang trông chờ vào các quyết định tiếp theo của Chính phủ nên kết luận của Thủ tướng ngay lập tức nhận được sự đồng tình của người dân và dư luận. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nói: “Tôi rất mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kịp thời có ý kiến chỉ đạo TP.Hải Phòng xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm nghiêm trọng trong vụ việc tiêu cực ở huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. Tôi đồng tình với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Huyện Tiên Lãng đã sai về luật pháp và tôi bổ sung thêm là vụ việc ở Tiên Lãng còn sai cả về hiến pháp, bởi bản chất của nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nhà nước phục vụ nhân dân, dân làm chủ... Nếu vụ việc này không được kịp thời xử lý và nghiêm minh thì hậu quả sẽ thật khó lường. Bởi vì từ quan hệ nhà nước phục vụ dân mà với các quan chức suy thoái như thế, quan hệ phục vụ thành quan hệ đối kháng, điều đó gây mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng. Theo tôi, vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng nếu không xử lý nghiêm minh sẽ lan tỏa ra cả nước, cho nên sự phản ứng ở Tiên Lãng là một báo hiệu của người dân không thể coi nhẹ”. Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng thì khẳng định“Hội Nông dân Việt Nam đã có kiến nghị về thời hạn giao đất cho nông dân”: “Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng là một bài học lớn cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các tổ chức chính trị xã hội. Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến thời điểm năm 2013 kết thúc thời hạn giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, trong đó đề xuất trường hợp nếu hết thời hạn hợp đồng, người dân tiếp tục có nhu cầu sử dụng đất, đề nghị các bộ ngành và các cấp chính quyền hướng dẫn người dân chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định. Chính phủ cần sớm tổng kết, sửa đổi bổ sung những bất cập của Luật Đất đai để nông dân yên tâm đầu tư, sản xuất, làm ra của cải đóng góp cho xã hội”. Theo dõi sát sao vụ việc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ phát biểu: “Tôi rất mừng vì Thủ tướng đã kết luận rất đầy đủ, cặn kẽ dựa trên cơ sở pháp lý chặt chẽ, đạo lý thấu tình, không chỉ giải quyết cụ thể vụ việc ở Tiên Lãng mà còn đặt hướng giải quyết những vấn đề lớn của đất nước. Đối với những bất cập hiện hành, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành để giải quyết trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành nghiên cứu để chuẩn bị tốt nhất cho sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Đặc biệt, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất xây dựng thể chế để kiểm soát việc ban hành các quyết định hành chính của chính quyền các cấp. Đây là một kết luận rất sắc sảo trong hệ thống hành chính, giám sát chặt chẽ việc ban hành quyết định ở địa phương, tránh diễn ra tình trạng sai sót, thậm chí lạm quyền”. Lan Phương |
H.Chiến – H. Mai – A.Minh (thực hiện)