Hôm qua (22/9), tại TP. Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”, góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc và có sức thuyết phục hơn về ý nghĩa, tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi của tuyến vận tải chiến lược cho miền Nam-Đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng, của cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước nói chung.
Trung tướng Nguyễn Thành Cung Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chụp ảnh lưu niệm với các cựu binh tàu không số. Ảnh QĐND |
Hiện thân của ý chí
Đường Hồ Chí Minh trên biển qua cái nhìn của đối phương
Từ phí bên kia, Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Hữu Chí cũng phải thừa nhận: “Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển…Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tế hơn ta (Mỹ và chính quyền Sài Gòn-NV)…”. |
Các tham luận khoa học gửi đến Hội thảo đề cập đến nhiều nội dung nhưng đều toát lên vấn đề cốt lõi: Chiến công của các lực lượng tham gia tuyến vận tải quân sự chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển- hiện thân của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam, một trong những nhân tố có tính chất quyết định để làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong bài tham luận của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: “Quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, Quân đội và nhân dân ta. Đó là sự kế thừa và phát triển lên tầm cao mới truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, đồng thời vừa là sự sáng tạo độc đáo, tạo nên những giá trị nghệ thuật quân sự đặc sắc trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến. Đó còn là biểu hiện của ý chí độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.”
Thần kỳ những chuyến “tàu không số”
Nhắc tới Đường Hồ Chí Minh trên biển là nhắc tới những chiến công của những chiến sĩ trên những con “tàu không số”. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự là một chiến trường ác liệt, mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn thử thách, ra đi là xác định cảm tử với con tàu và chuyến hàng. Tuy nhiên, với các thủy thủ “tàu không số”, “mỗi chuyến đi là một câu chuyện thần kỳ”.
Ông Nguyễn Văn Tình-một thành viên của “tàu không số” - kể: “Để duy trì sự tồn tại của con đường, cán bộ, chiến sĩ đã phải vượt qua hàng chục cơn bão lớn, hàng trăm cuộc vây ráp của quân thù, đã khắc phục trên 400 quả thủy lôi, chiến đấu 300 lần với tàu địch, đánh trả trên 1.200 lần máy bay tập kích. Những lúc bị địch bao vây bốn phía, cả con tàu là một khối đoàn kết, trong đó, thuyền trưởng và chính trị viên tàu là trụ cột mẫu mực nhất. Khi thấy không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, để giữ bí mật cho tuyến đường, họ đã biến con tàu thành một khối thuốc nổ khổng lồ lao vào tàu địch.” Chúng ta không thể quên những tấm gương sáng ngời như Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Đức Thắng, Đặng Văn Thanh, Bông Văn Dĩa… và biết bao những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh cùng con tàu mãi mãi nằm lại với biển khơi.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân - đã chỉ ra những điểm ưu việt của “con đường huyền thoại”: Vận tải biển tuy có gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian. Nếu vận chuyển đường bộ mất hàng tháng trời hàng mới tới nơi thì vận chuyển đường biển chỉ độ hơn một tuần, mà tỷ lệ tổn thất về hàng hóa chỉ 7%, còn 93% hàng đã tới đích(tỷ lệ tổn thất Tổng Quân ủy cho phép là 50%).
Chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng trên biển đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ. Cứ 100 tấn vũ khí vận chuyển bằng đường biển chỉ cần 10-15 cán bộ, chiến sĩ, trong khi đó, nếu vận tải đường bộ thì cần đến một sư đoàn mang vác. Nếu vận tải bằng cơ giới thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải đường biển. Ngoài ra, vận tải đường biển còn thường được đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đó là vận chuyển những “hàng hóa đặc biệt” có tính sống còn đối với cuộc kháng chiến-đó là các loại vũ khí trang bị lớn, đặc chủng, những cán bộ cao cấp của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường.
Trong 15 năm từ 1961-1975, trên đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân ta đã huy động được 1.879 lượt tàu thuyền trong đó có 1829 chuyến thành công, vận chuyển được 152.872 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, lương thực, thuốc chữa bệnh và trên 800.000 lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho miền Nam, cán bộ miền Nam ra Bắc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong vận tải chi viện chiến trường, lực lượng vận tải quân sự Hải quân được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, nhiều tập thể và cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Năm tháng trôi đi, nhưng những chiến công huyền thoại của “Đoàn tàu không số” và kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta vẫn là nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân, đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, dấu son chói lọi trong trang sử truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam…
Những bài học kinh nghiệm quý giá
Đường Hồ Chí Minh trên biển để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Một trong những bài học đó là phải nắm chắc tình hình địch, âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động của chúng trên các vùng biển, ven bờ và ngoài khơi; phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân để tạo được những yếu tố bí mật, bất ngờ, huy động được sức mạnh của các lực lượng cùng tham gia; nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các phương thức vận tải, xử lý linh hoạt và có những đối sách thích hợp với từng tình huống trên biển. Trong tương lai vẫn phải duy trì vận tải quân sự bằng đường biển nhưng phải chủ động nghiên cứu, chuẩn bị trước các cơ sở pháp lý đối với các loại tàu thuyền và phương tiện khác nhau (với tàu thuyền vận tải quân sự, với tàu thuyền giả dạng). Công tác ngoại giao nói chung, đối ngoại quân sự nói riêng, cần chủ động đi trước đón đầu, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động vận tải, tiếp tế chiến lược trên biển…Kết hợp chặt chẽ giữa vận tải quân sự với tác chiến trên từng con tàu, tác chiến trên bộ, vừa bảo đảng vận chuyển hàng tới đích vừa đảm bảo giữ bí mật, an toàn về người và vũ khí, trang bị kỹ thuật. |
Lam Hạnh