Nhìn lên bàn của cô bạn, thấy chất đầy hàng hiệu, nào là Chanel, Mac, Lancome, nhìn hoa cả mắt. Khen cô “đại gia”, chỉ thích chơi hàng hiệu thì cô nàng cười sặc: “Hàng hiệu...chợ đêm đấy!”. Dẫu vẫn biết các loại mỹ phẩm nhái vẫn được bán tràn lan trên thị trường. Nhưng “hàng hiệu” giá 30 -100 ngàn được rất nhiều người chọn mua mà chất lượng thế nào cũng chẳng thấy ai để ý đến thì tôi hơi “hãi”.
Chóng mặt vì "hàng hiệu"
Để chứng minh cho lời khẳng định “Hàng hiệu có mặt ở tất cả các hang cùng, ngõ hiểm ở Hà Nội”, cô bạn dẫn tôi 1 vòng ghé qua những khu chợ đêm sinh viên, những cửa hàng tạp hoá, các shop mỹ phẩm đủ mọi quy mô và tất nhiên là tràn lan “thương hiệu”. Và tất nhiên, giá cả chỉ từ 30 – 100 ngàn/ sản phẩm, thế nên thượng đế đa phần là sinh viên, công chức và người lao động có thu nhập thấp. Buồn cười hơn cả, khi chúng tôi "lướt" qua 1 cửa hàng bán hàng tạp hóa ở phố Trương Định, bà chủ đưa ra 1 đống mỹ phẩm xởi lởi: "Hàng Chanel đó em, 1 giá 30 ngàn".
|
Không xem giá, nhìn qua không phải ai cũng biết đó là hàng "dỏm" |
Rẽ qua 1 shop mỹ phẩm trên đường Lương Thế Vinh, cô bạn tôi tỏ vẻ sành điệu bước vào hỏi cô gái trẻ đứng bán hàng đủ các tên tuổi, nhãn hiệu như Mac, Chanel, E’Tude, Lancome…Cô gái bán hàng cười: "Bọn em có hết chị ạ". Vừa dứt câu, cô đưa ra hơn chục sản phẩm để chúng tôi chọn lựa với lời hướng dẫn: "Hàng Mac dùng để làm phấn lót trang điểm, phấn nền là tốt nhất vì nó mịn. Còn dùng phấn để tô điểm cho má hồng không hàng nào tốt bằng hàng Chanel. Muốn trẻ trung thì dùng hàng E’Tude..."
Cứ như thế cô gái bán hàng thao thao về công dụng của từng loại hàng hiệu. Tôi cầm lên xem giá cả thì cũng chỉ như ở những nơi khác, tất cả đều dưới 100 ngàn. Hỏi xem nhập ở đâu thì cô bán hàng cười: "Tất cả đều được "xách tay" qua đường...cửa khẩu".
Chưa dám nói đến độ "thật", "giả" của những món hàng trên, nhưng nếu xét về giá, tôi không khỏi băn khoăn. Vì quả thực, qua tìm hiểu, tôi được biết để mua được những món hàng xịn, có xuất xứ rõ ràng của các hãng mỹ phẩm danh tiếng, nhiều khi bỏ tiền triệu cũng chưa chắc đã mua được.
Đơn cử như 1 hộp phấn trang điểm 12g của Mac có giá 1.535.000 đồng, hay hộp phấn má hồng của Chanel cũng có giá 1.200.000 đồng…Vào các trang quảng cáo trên mạng, những thỏi son có giá có khi cả chục triệu. Mà xét cho cùng, người bình thường mà nhìn vào những món "hàng hiệu" rẻ tiền trên mà đối chiếu với những sản phẩm xịn, đắt tiền chưa chắc đã phân biệt ngay được. Vậy thì những món hàng "bạc triệu" mà các cơ sở thẩm mỹ viện hoặc các cửa hàng chuyên bán đồ chăm sóc sắc đẹp lấy từ đâu ra?.
|
Những món hàng "bạc triệu" mà các cơ sở thẩm mỹ viện hoặc các cửa hàng chuyên bán đồ chăm sóc sắc đẹp lấy từ đâu ra?. |
Tại 1 cửa hàng mỹ phẩm khá lớn nằm trên đường Minh Khai, bà chủ giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều các loại mỹ phẩm. So với những cửa hiệu rẻ tiền thì cửa hàng này có nhiều nhãn hiệu phong phú mà tôi vẫn được nghe qua như L’Oréal, Dior, Ohui...
Bà chủ cũng cho biết, ở đây, hàng bình thường và hàng xịn loại nào cũng có, tùy mức tiền mình có thể mua được. Giá giao động từ 100 ngàn cho đến 3 triệu. "Các loại xách tay có giá đến mấy triệu chị không nhập vì bán rất chậm. Những loại này tuy rẻ hơn nhiều, nhưng so với hàng chính hãng, chất lượng cũng chẳng chênh lệch nhau là bao. Không tin em cứ mua về dùng thử, không được chị sẽ hoàn lại tiền" - bà chủ tuyên bố chắc nịch.
Tôi nhìn kỹ, một hộp phấn mắt nhãn hiệu Chanel mà tôi thấy ở 1 cửa hàng rẻ tiền, so với "hàng xịn" được niêm ít giá tới 1 triệu gần như không khác gì nhau cả.
Coi chừng hệ lụy
Đã không phải hàng thật, thì tất nhiên việc có giấy phép kinh doanh những sản phẩm trên vẫn là điều đáng phải bàn. Còn nhớ cách đây không lâu, 1 vị thanh tra sở y tế Hà Nội trả lời PV đã nói: "Những sản phẩm như thế bây giờ nhiều nhan nhản, không quản lý nổi". Giờ nhìn lại thấy cũng chẳng sai. Trong khi khách hàng vẫn sử dụng đều đều mà không rõ về chất lượng của nó cũng như những hậu quả về sau.
Tôi và cô bạn trong vai những người đi tìm mua mỹ phẩm về mở shop, khi tìm đến các ki ốt trong chợ Đồng Xuân không khỏi "thèm thuồng" trước những câu mời gọi của bà chủ.:“Chị đảm bảo cho em là r ẻ và dễ bán. Nhãn mác hàng hiệu, thiết kế giống như thế không phải ai cũng nhận ra đâu. Các cơ sở thẩm mỹ cũng qua chỗ chị lấy hàng suốt. Lãi 1 "ăn" 5 là cái chắc."
Và tất nhiên, hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì những người bán mỹ phẩm ở chợ Đồng Xuân chỉ ậm ờ qua chuyện. Hỏi về giấy tờ để kinh doanh những loại mỹ phẩm đề phòng các cơ quan chức năng nhòm ngó thì được trả lời: "Có ai kiểm tra đâu mà lo. Hàng này thì đào đâu ra giấy".
|
Bệnh viện da liễu đã tiếp nhận rất nhiều người vào điều trị vì làm đẹp bằng mỹ phẩm. |
Đem những vấn đề đang băn khoăn về chất lượng của mỹ phẩm "nhái" hàng hiệu trao đổi với bác sỹ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sỹ Thành cho biết: "Mỹ phẩm, đặc biệt là các loại rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng thường chứa hàng chục loại hóa chất, trong đó có các kim loại nặng không tan, dễ tích tụ ở màng dịch tế bào như thủy ngân, chì, kẽm, cyanure...dễ gây dị ứng đặc biệt là nám, loét lở cho da. Và bệnh viện da liễu cũng đã tiếp nhận rất nhiều người vào điều trị vì làm đẹp bằng mỹ phẩm".
Thế mới biết, "hàng hiệu" chăm sóc sắc đẹp cho chị em có nhan nhản thật đấy, rẻ tiền thật đấy, nhưng chất lượng thì khó mà lường được. Bao nhiêu người vẫn sử dụng dù biết nó nguy hại đến thế nào. Tựu chung lại thì vẫn là 1 câu trả lời: "Con gái thì phải làm đẹp. Mà muốn làm đẹp không phải ai cũng có điều kiện dùng hàng hiệu".
Hoàng Phan - Minh Thúy