Ngày Xuân bàn chuyện “học để thi” hay “thi để học”

Trước thực trạng bức tranh giáo dục nhiều mảng sáng tối, buồn vui lẫn lộn, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đang là vấn đề đặt ra. Thẳng thắn nhìn vào nền giáo dục ứng thí, TS. Vũ Ngọc Hoàng đã dành cho Pháp luật Việt Nam cuộc trò chuyện nhân dịp đầu xuân.

Trước thực trạng bức tranh giáo dục nhiều mảng sáng tối, buồn vui lẫn lộn, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đang là vấn đề đặt ra. Thẳng thắn nhìn vào nền giáo dục ứng thí, TS. Vũ Ngọc Hoàng đã dành cho Pháp luật Việt Nam cuộc trò chuyện nhân dịp đầu xuân.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

Phải khuyến khích học sinh sáng tạo

Thưa ông, nền giáo dục đã có thành tích đáng kể, chuyển từ dành cho thiểu số người đi học thành nền giáo dục đại chúng, nhưng có người cho rằng nền giáo dục của chúng ta vẫn đang “lạc đường”. Ông nhận định gì về ý kiến này?

- Ngày nay chỉ di chuột máy tính là học sinh đã nhận được biết bao nhiêu kiến thức nên không việc gì bắt các em phải nhớ nhiều. Biết nhớ bao nhiêu là đủ? Học sinh học toán lý hóa thì bị buộc phải nhớ quá nhiều công thức quá nhiều, học sử thì phải nhớ sự kiện, dù khi ra trường có người cả đời không hề sử dụng đến kiến thức ấy. Theo tôi, những công thức ấy chỉ cần học để góp phần hình thành tư duy lô-gich, để hiểu và biết cách vận dụng. Còn học sử thì chủ yếu là nhằm hình thành nhân cách, không phải bắt thuộc lòng, nhớ sự kiện. Dấu hiệu và biểu hiện đầu tiên của chất lượng là sự thích học. Đã chán học, hoàn toàn không thích học, học như là một khổ dịch thì làm gì mà có chất lượng - năng lực được. Không cần bắt học sinh phải nhớ nhiều, phải thuộc lòng. Cái cần là năng lực, sự sáng tạo.

Có sợ “sáng tạo” quá trớn sẽ sinh ra “lệch chuẩn”, thưa ông?

- Đã sáng tạo thì bao giờ cũng có cái riêng của người học. Lâu nay học trò nói giống thầy, y như thầy thì đạt điểm cao, vậy thì phải “học gạo”, học thuộc lòng. Bây giờ không nên như thế nữa. Nói như ý thầy chỉ nên đánh giá đạt điểm trung bình, còn những ý mới, những phát hiện mới, khác thầy; mà có lý lẽ, có cơ sở khoa học thì mới đạt điểm cao. Chấm văn mà theo ba - rem cho điểm đã định sẵn thì thật là không nắm được đặc điểm của công việc này. Các kiệt tác văn chương rất giàu ý tứ, đời sau khám phá mãi vẫn chưa cạn ý, vậy tại sao cứ phải nói đúng 3-4 ý như thầy, như sách, không thừa không thiếu thì mới đạt điểm cao? Các em có thể nói nhiều ý hơn, có những ý khác mà có lý lẽ, phát hiện mới, sức thuyết phục thì mới điểm cao chứ.

Theo ông, làm sao để khắc phục tình trạng trên?

- Điều quan trọng là phải tạo cho người học có năng lực. Năng lực là cái “tự nó”, “của chính nó”, là tư duy độc lập, không ai ban phát, không thể cho, không thể vay mượn. Năng lực không phải được tạo ra nhờ người khác truyền thụ, mà sẽ phát triển trong quá trình tự học, nghiền ngẫm, tư duy. Hầu hết trí thức lớn đã trở thành trí thức thông qua tự học là chính. Nếu truyền thụ một chiều, áp đặt thì làm sao có năng lực được? Người học phải được bình đẳng, được tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận, có chính kiến riêng của mình. Thực hiện giảng ít mà học nhiều. Không phải giáo viên chỉ truyền dạy những điều gì mình có, mà phải giảng dạy cái học sinh cần.

Có nghĩa người thầy phải chuyển sang cách truyền đạt mới?

- Thầy giáo bây giờ không phải là “thầy dạy”, mà phải là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, giúp các em biết cách học mới, cách tự học, tổ chức việc học cho các em, nói gọn lại là “thầy học”, tức là làm thầy về việc học. Thầy giáo không nên là người áp đặt tư duy, mà là người luôn phát huy dân chủ, là người “bạn lớn”, “bình đẳng”, “bạn đồng hành” cùng các em trong quá trình đi tìm chân lý; là một nhà tâm lý giáo dục, luôn tác động kích thích những yếu tố bên trong, sự tự tin, độc lập và bản lĩnh, những yếu tố tự nó của người học. Công việc của người thầy như vậy càng khó hơn trước, là công việc của nhà khoa học, nhà văn hóa, vừa khoa học vừa nghệ thuật.

Người thầy được tôn trọng, vinh danh, trọng dụng, ưu đãi nhưng cũng nên phải được đánh giá định kỳ, xếp hạng bậc một cách khoa học để có chính sách thỏa đáng khác nhau chứ không cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Vấn đề giáo viên vẫn và phải càng là vấn đề then chốt.

Học để nâng cao năng lực làm người

Nhiều năm qua, dư luận vẫn luôn “nóng” về vấn nạn mua bán bằng cấp. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nền giáo dục của chúng ta từ xưa đã rất nặng ứng thí và bằng cấp, học là để trả thi, để ứng phó với thi cử, để có tấm bằng làm công cụ tiến thân, trước tiên là làm quan. Đến nay, cơ bản vẫn nặng như vậy. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường đã xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, có không ít trường hợp mua bằng bán điểm, nhờ người khác học hộ, thi giúp; học ít cũng có sao đâu, miễn là có được tấm bằng, không học mà có bằng càng tốt. Như vậy, học không phải với mục đích để có năng lực, kiến thức, mà là để có điểm, có bằng.

Việc cần làm ngay hiện nay là gì, thưa ông?

- Thứ nhất, chuyển từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển nhân cách, năng lực; Thứ hai, xây dựng một nền giáo dục mở, học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập, phát triển giáo dục điện tử.  

Với cách học truyền thụ kiến thức, học sinh bị giới hạn bởi thầy giáo, thế hệ sau bị giới hạn bởi thế hệ trước, trong khi cuộc sống ngày nay rất cần phải chuẩn bị cho học sinh “vượt thầy, vượt sách”. Việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực liên quan trực tiếp, chặt chẽ và trước tiên tới việc xây dựng các chương trình đào tạo. Đổi mới chương trình cần chuyển mạnh sang tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực (người học) thay cho cách tiếp cận nội dung như lâu nay. Thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên; cùng với tổ bộ môn là người lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, trong số những bộ sách đã được xác nhận là đạt yêu cầu. Việc soạn sách giáo khoa cũng cần phải có cạnh tranh, so sánh về chất lượng, để có những bộ sách tốt nhất. Thi theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa, là kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ.

Nói cách khác là thi để học, chứ không phải học để thi?

- Đúng vậy, học là để nâng cao năng lực làm người, năng lực thực chất, chứ không phải để thi. Cần làm cho việc thi cử trở nên nhẹ nhàng và thực chất hơn, không nặng nề như hiện nay. Có thể mở rộng khung điểm để dễ phân hạng khi đánh giá. Từ hai cuộc thi quốc gia liền kề như hiện nay (tốt nghiệp trung học phổ thông và vào đại học), nội dung và phương pháp thi giống nhau, nên nhập lại thành một cuộc. Nhiệm vụ chính là để đánh giá chất lượng phổ thông, đồng thời là sơ tuyển đại học. Mỗi năm có thể thi vài lần, do một trung tâm sự nghiệp của Nhà nước đảm nhận.

Những bất cập nêu trên càng đòi hỏi đổi mới tới đây phải tập trung cho vấn đề chất lượng. Đổi mới không có mục đích tự thân, mà đổi mới là phải nhằm nâng cao chất lượng, chuyển từ phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguyệt Thương (thực hiện)

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.