Dù đã được chấp thuận từ UBND Tp. Hà Nội, nhưng công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, dự án Nhà hát ngoài trời Cung Xuân (tại công viên Tuổi trẻ) đang đứng trước nguy cơ phải đập phá nhiều hạng mục…
Việc ký ban hành rồi lại ký thu hồi một quyết định hành chính có thể gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp |
Theo chủ trương xã hội hoá của Tp. Hà Nội, năm 2009, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hai Bà Trưng và Công ty đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, tiến hành xây dựng dự án Nhà hát ngoài trời Cung Xuân. Điều đặc biệt, đây là dự án kỷ niệm mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Theo thiết kế, tầng hầm của công trình này sẽ làm nơi để ô tô, xe máy. Thế nhưng, thiết kế này lại “vênh” vào quy hoạch của công viên Tuổi trẻ. Theo quy hoạch công viên thì ô tô, xe máy không được phép vào công viên mà phải gửi ở ngoài. Việc xây dựng tầng hầm để phương tiện, trên thực tế sẽ là mâu thuẫn, không phù hợp với quy hoạch.
Một đại diện của Sở Xây dựng cho biết, nếu không làm thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cũng như chức năng chính của công trình, thì việc đề xuất chuyển đổi công năng của tầng hầm công trình nhà hát ngoài trời của chủ đầu tư từ chức năng đỗ xe sang kinh doanh dịch vụ là có thể chấp thuận được.
Trước tình hình thực tế nói trên, các sở như Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính… sau khi khảo sát đã đề xuất lên UBND Tp. Hà Nội cho chuyển đổi công năng của tầng hầm của dự án mừng Đại lễ này.
Ngay sau khi các sở này có đề xuất, ngày 23/8/2010, UBND Tp. Hà Nội đã có văn bản (số 6621) chấp thuận cho phép “chuyển đổi diện tích đỗ xe tại tầng hầm công trình Nhà hát ngoài trời công viên Tuổi trẻ sang mục tiêu kinh doanh dịch vụ”. Tp. Hà Nội cũng yêu cầu chủ đầu tư không làm thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cũng như chức năng chính của công trình, đảm bảo yêu cầu về tiến độ và an toàn, kỹ thuận của công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ngay sau khi có văn bản chấp thuận từ thành phố, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng, cải tạo tầng hầm. Đến nay công việc đã hoàn thành với tổng mức đầu tư cho hạng mục này được cho là rất lớn để tiến hành khai thác các dịch vụ theo đúng công năng theo văn bản chấp thuận của Tp. Hà Nội cũng như giấy phéo đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hạng mục tầng hầm đang đứng trước nguy cơ “trở về điểm xuất phát”, tức phải hoạt động theo đúng công năng là bãi đỗ xe khi hiệu lực pháp lý của văn bản 6621 bị vô hiệu, bởi quý III/2012, đơn vị chức năng đã yêu cầu thu hồi lại văn bản 6621.
Theo ý kiến của Phó giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục tại biên bản họp về việc chuyển đổi chức năng của tầng hầm Nhà hát ngoài trời Cung Xuân, thì việc đỗ xe công cộng tại vị trí tầng hầm là không phù hợp, chỉ có thể phục vụ nhu cầu nội bộ, vị trí đỗ xe nội bộ điều chỉnh cần phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê chuẩn.
Và để giải quyết áp lực thiếu bãi đỗ xe, phía chủ đầu tư dự án Nhà hát ngoài trời Cung Xuân cũng đã có văn bản đề xuất chấp thuận và kiến nghị với lãnh đạo Tp. Hà Nội cho phép được nghiên cứu, lập quy hoạch tổng mặt bằng, lập dự án bãi đỗ xe ngầm tại khu sân vườn tại cổng chính của Công viên Tuổi trẻ với quy mô 3 tầng hầm áp dụng công nghệ đỗ xe tự động tiên tiến của Hàn Quốc. Tuy nhiên theo thông tin không chính thức, dự án này đã được UBND TP cho phép 1 đơn vị khác thực hiện.
Trong tình hình kinh tế đất nước đang khó khăn, chủ trương xã hội hóa các hạng mục công trình dân sinh của UBND Tp. Hà Nội là rất đúng đắn, nhưng các cơ quan tư vấn, giúp việc cho UBND TP cũng như các cấp lãnh đạo thành phố cần nhất quán trong việc định hướng đầu tư đúng qui hoạch ngay từ ban đầu và một khi đã chấp thuận cho chuyển đổi công năng thì cần thực hiện đúng quyết định, tránh tổn hại kinh tế cho doanh nghiệp và cho đơn vị quản lý (vì rất có thể sẽ xảy ra việc bồi thường tổn thất cho doanh nghiệp), thực chất là tổn hại cho kinh tế đất nước. Và qua đó các doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm khi tham gia đầu tư xây dựng các công trình xã hội hóa.
Như Trang