“Xử” nợ xấu phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên
Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng việc thông qua NQ này sẽ giúp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay, đặc biệt là giúp cho người đi vay có ý thức trong việc vay nợ và trả nợ đúng hạn. Theo ĐB, đã kinh doanh thì chắc chắn có rủi ro nhưng kinh doanh tiền tệ thì có nhiều rủi ro nhất vì vậy khi cho vay ngân hàng quy định điều kiện hết sức chặt chẽ, hợp đồng cho vay cũng hết sức chi tiết, đôi lúc làm nản lòng người đi vay. Khi cho vay thì ngân hàng thực hiện đầy đủ 3 nguyên tắc tín dụng là tiền vay phải được sử dụng đúng mục đích, đúng phương án đi vay và phát mãi tài sản thế chấp cầm cố.
Theo ĐB Ngân, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, khách hàng không trả được nợ, khi khoản nợ quá hạn trên 91 ngày chuyển thành nợ xấu, ngân hàng cũng không thu được khoản lãi đó, người đi vay phải giao khoản tài sản thế chấp cho bên nhận bảo đảm theo đúng hợp đồng. ĐB Ngân nói rằng đó cũng là thông lệ quốc tế nhưng việc xử lý tài sản hiện nay còn nhiều vướng mắc cần có cơ chế xử lý phù hợp cho nên cần có NQ này. ĐB Ngân đề nghị quy định nguyên tắc xử lý nợ xấu bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của các tổ chức cá nhân có liên quan.
ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, về cơ chế xử lý tranh chấp cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ xử lý tài sản, dự thảo hiện mới chỉ nêu được một phần là nếu xảy ra tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và người vay song trên thực tế sẽ có những trường hợp trong thực tiễn không chỉ tranh chấp giữa tổ chức tín dụng và người vay, mà là người vay hoặc những người liên quan như người đồng sở hữu, người thừa kế, người đang thuê tài sản. Những người này có thể sẽ đề nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). “Đối chiếu với pháp luật dân sự hiện hành, tôi thấy xử lý vấn đề này chưa được quy định một cách đầy đủ và rõ ràng”, ĐB nói.
Theo ĐB Trang, việc Nghị quyết giao cho tổ chức tín dụng một quyền năng rất lớn là thu giữ và xử lý TSBĐ trong khi đây không phải là cơ quan nhà nước, không có quyết định hành chính thì đương nhiên sẽ đặt ra quyền khiếu nại tố cáo theo Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại. Nhưng hành vi vi phạm trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản sẽ có khả năng xảy ra, thậm chí xảy ra rất nhiều vì trình tự thủ tục thu giữ xử lý tài sản của tổ chức tín dụng tại Nghị quyết quy định khái quát, chung chung so với quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành.
Không đặc quyền hay ưu ái
Thống đốc Lê Minh Hưng làm rõ, “cơ quan soạn thảo nhận thấy NQ không tạo ra đặc quyền hay ưu ái nào cho các tổ chức tín dụng. Liên quan đến mục tiêu của NQ, việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng và các điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế, qua đó bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Về nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, Chính phủ khi trình QH đã báo cáo QH là Chính phủ không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu, TSBĐ thì liên quan đến trích lập dự phòng thì khi yêu cầu các tổ chức tín dụng sử dụng thu nhập để tăng cường trích lập dự phòng thì chắc chắn ảnh hưởng đến việc thu nộp thuế doanh nghiệp. Và khi tăng cường xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng thì thu nhập của các ngân hàng quốc doanh thì sẽ ảnh hưởng đến cổ tức nộp cho ngân sách nhà nước thì trên thực tế ngân sách nhà nước gián tiếp hỗ trợ cho xử lý nợ xấu. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp thu và thể hiện ở dự thảo NQ.
Việc áp dụng NQ đối với các khoản nợ hiện tại và các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian thực hiện NQ là rất cần thiết vì thứ nhất nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trong điều kiện thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu thì tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm là khoảng 1,3 đến 1,5% trên tổng thu nợ và cho vay đối với nền kinh tế, chủ yếu là các nguyên nhân khách quan và có cả chủ quan. Dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới khoảng 350.000 tỉ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới là khoảng 650.000 tỉ thì bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130.000 tỉ. Như vậy nếu chỉ xử lý nợ xấu đã ghi nhận đến 31/12/2016 thì số nợ xấu sẽ phát sinh trong thời gian NQ có hiệu lực sẽ gặp vướng mắc về cơ chế, tạo ra bất cập nên mong ĐBQH xem xét, quyết định vấn đề này” - ông Hưng lý giải.
Còn về thu giữ TSBĐ, Thống đốc NHNN cho rằng dự thảo NQ đã thể hiện rõ trường hợp TSBĐ có tranh chấp hoặc đang bị kê biên trong các vụ án hình sự thì không áp dụng việc thu giữ TSBĐ. Với các tài sản có tranh chấp phải thực hiện theo các quy định rất chặt chẽ được nêu trong dự thảo NQ. Về các hành vi vi phạm thì đã có đủ các quy định hiện hành để xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình xử lý TSBĐ”.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Không cần lo lắng
“Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định không được xâm phạm chỗ ở của người khác nên có nhiều ý kiến lo sợ quy định tại Điều 7 về thu giữ TSBĐ vi phạm điều này. Song, tôi nghĩ không cần phải lo lắng về điều này vì Nghị quyết cũng đã điều chỉnh theo hướng minh bạch, đăng tải công khai thông tin, niêm yết văn bản, thông báo trước thời điểm thực hiện. Ngân hàng đều làm chặt chẽ vì muốn có hợp đồng thì cả vợ và chồng đều phải ký rồi lên UBND xã phường xác nhận, sau đó mới về công chứng. Các thủ tục đều chặt chẽ.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ): Ngân hàng cần tranh thủ điều kiện thuận lợi để xử lý “cục máu đông”
“Dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa không thể xóa bỏ hoàn toàn nợ xấu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nhưng trách nhiệm của hệ thống ngân hàng là phải có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu ở mức đó có thể chấp nhận được. Chính vì vậy, với NQ này, hệ thống ngân hàng cần tranh thủ điều kiện thuận lợi để xử lý “cục máu đông” đã tích tụ bấy lâu nay, đồng thời phải thông qua công tác thẩm định, thanh tra, giám sát nâng cao chất lượng của hệ thống để kiểm soát nợ xấu, không để nợ xấu phát sinh vượt tầm kiểm soát. Bên cạnh những tác động tích cực mà NQ mang lại thì các ĐBQH và nhiều cử tri còn băn khoăn lo ngại việc ban hành NQ này liệu có hay không vô tình làm cho một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu được vô can, miễn tội. Điều này cần phải được giải thích rõ hoặc có nội dung quy định cụ thể không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm trách nhiệm gây ra nợ xấu cho dù nợ xấu đã được xử lý trong NQ”.
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Không để NQ trở thành lá bùa chống lưng cho những sai phạm
“Tôi thấy phạm vi điều chỉnh của dự thảo NQ quá rộng, không phù hợp, làm giảm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng trong quan hệ tín dụng. Không nên để NQ mà chúng ta ban hành làm lá bùa chống lưng cho những sai phạm hoặt ít nhất là thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại tiếp tục có cơ hội tái diễn. Mặt khác là thí điểm do vậy việc thu lại phạm vi điều chỉnh NQ để kiểm nghiệm chính sách mới là phù hợp. Bên cạnh đó, NQ này là giải pháp đặc thù để giải quyết tình huống đặc thù về nợ xấu trong giai đoạn trước đây nên giới hạn lại phạm vi của NQ chỉ xử lý đối với các khoản nợ xấu tính đến 31/12/2016. Các khoản nợ khác, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng phải nâng cao trách nhiệm trong quan hệ tín dụng để giảm thiểu khả năng phát sinh nợ xấu và tự xử lý nợ xấu phát sinh theo các quy định của pháp luật”.