Có thể thu hồi trong 5 năm?
Hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ViettinBank, ĐB Nguyễn Văn Thắng (TP Hà Nội) cho rằng, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nợ xấu phát sinh là vấn đề tất yếu; còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu nhưng con số hiện nay rất lớn; nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu xấp xỉ 600.000 tỷ đồng và chiếm tới 1,8% theo báo cáo. Theo ĐB Thắng, Việt Nam là quốc gia duy nhất đến nay có nợ xấu của nền kinh tế vượt 10% mà không có một tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, có thể nói đây là sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước.
“Trong 600.000 tỷ này, chúng ta phải xác định 90% là tiền của nhân dân, ngân hàng chỉ có 10%, do vậy vấn đề cấp bách để xử lý khoản này là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tín dụng mà bảo vệ cho chính người dân, những người đang gửi tiền trong hệ thống các tổ chức tín dụng và làm sao chúng ta vận hành đưa 600.000 tỷ này quay trở lại phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, khi nguồn lực còn rất hạn chế. Với con số này chúng ta có thể xây dựng được ba sân bay Long Thành mà Quốc hội đã bàn”, ĐB Thắng nói và đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng Nghị quyết xử lý nợ xấu bao gồm cả các khoản hiện tại và phát sinh, đồng thời “cần xử lý và thu hồi được càng nhiều càng tốt trong giai đoạn 5 năm khi Nghị quyết ban hành”.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng đây là nghị quyết mang tính chất nhất thời và cá biệt, không mang tính chất văn bản pháp quy, trong khi chúng ta đang sửa đổi luật về tín dụng và ngân hàng. “Vậy có nên kéo dài đến 5 năm, hay chúng ta quy định sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được sửa chữa chúng ta áp dụng theo luật?”, ĐB Nghĩa đặt vấn đề.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì cho rằng Nghị quyết đưa ra thời hạn 5 năm là không hợp lý, bởi nợ xấu có thể giải quyết trong thời hạn 5 năm hoặc ngắn hơn 5 năm hoặc có thể dài hơn.
“Không ai muốn ốm để được uống sữa”
Về phạm vi của Nghị quyết, nhiều ĐB cho rằng chỉ nên áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh đến thời điểm 31/12/2016 để tránh việc các tổ chức tín dụng lợi dụng chuyển nợ không xấu thành nợ xấu để hưởng chế độ của Nghị quyết. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) không đồng tình với các ý kiến trên, bởi các quy định về nợ xấu rất chặt chẽ, khó có thể bị lợi dụng.
Theo quy định hiện nay, nợ được phân làm 5 nhóm, từ nhóm 1 đến nhóm 5, trong đó nợ từ nhóm 2 trở lên các tổ chức tín dụng đã phải trích lập dự phòng rủi ro, việc trích lập dự phòng rủi ro đương nhiên sẽ giảm các lợi nhuận của ngân hàng. Hơn nữa nếu tỷ lệ nợ xấu cao, ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
“Do đó, trên thực tế các tổ chức tín dụng sẽ không có động lực chuyển nợ bình thường sang nợ xấu để được hưởng ưu đãi của Nghị quyết như một số ý kiến đại biểu băn khoăn. Tôi cho rằng không ai muốn ốm để được uống sữa”, ĐB Hải nói và cho rằng, nợ xấu luôn phát sinh hàng ngày, do vậy, chỉ xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2016 là không bảo đảm xử lý triệt để nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Đồng quan điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng các khoản nợ xấu bao gồm cả nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của Nghị quyết và không bị giới hạn về thời điểm phát sinh nợ xấu.