Tới dự có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy. Cùng dự có đại diện một số cơ quan hợp tác quốc tế tại Việt Nam; các nhà khoa học; lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của thành phố; lãnh đạo quận Hoàn Kiếm…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi lễ. |
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trong khuôn khổ hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp đã được thực hiện từ năm 2007. Tiếp nối thành công này, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã đề nghị chính quyền vùng Ile-de-France giúp đỡ thực hiện một dự án trùng tu một biệt thự cổ thời Pháp theo đúng nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án khac tương tự đối với các công trình thời Pháp trên địa bàn. Chủ trương này đã được lãnh đạo hai địa phương thống nhất đưa vào nội dung các Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và 2022-2025.
Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo có diện tích gần 1000m2. |
Dự kiến sau khi hoàn thành công việc bảo tồn, sửa chữa và chống xuống cấp, biệt thự này sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. Định hướng khai thác công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng là minh chứng rõ nét cho một chiến lược đồng bộ bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tổ di sản đô thị. Cùng đó, sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ. Với chức năng mới như vậy, công trình sẽ trở thành một điểm đến văn hóa mới của quận Hoàn Kiếm nói riêng và toàn Thành phố Hà Nội nói chung.
Đây là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc. Vì vậy, quận Hoàn Kiếm được thành phố giao giải phóng mặt bằng 6 hộ dân và tu bổ biệt thự này. |
Thông qua dự án này, Hà Nội mong muốn chia sẻ về phương thức thực hiện trùng tu biệt thự, từ hình dáng, vật liệu đến cảnh quan nhưng phù hợp chức năng sử dụng mới, với cuộc sống hiện đại; bảo tồn, trùng tu di sản không chỉ dưới góc độ kỹ thuật mà còn được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, kinh tế. Đồng thời, cộng đồng cũng sẽ nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của những ngôi biệt thự Pháp.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Để kết quả triển khai dự án Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài trở thành hình mẫu của công tác chỉnh trang các biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn, quận Hoàn Kiếm cần tập trung chỉ đạo chủ đầu tư thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của nhà thầu thi công, trách nhiệm của nhà thầu tư vấn giám sát nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, của các đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật được phê duyệt, sớm hoàn thành và đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
UBND quận Hoàn Kiếm dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 3/2023, song lãnh đạo thành phố đề nghị quận cùng các đơn vị phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm hơn. Các sở, ngành của cần hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quận Hoàn Kiếm triển khai dự án; tiếp tục phối hợp các quận, huyện và đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra và lựa chọn biệt thự cũ và các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn. Cùng đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp Sở Xây dựng hoàn thành danh mục các công trình kiến trúc khác có giá trị báo cáo thành phố phê duyệt.
Thông qua việc triển khai dự án Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, cũng yêu cầu xây dựng quy trình, xác định cơ chế chỉnh trang, bảo tồn các biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố. Sở Ngoại vụ tiếp tục liên hệ Đại sứ quán Cộng hòa Pháp để đề nghị các cơ quan của Vùng thủ đô Paris giúp đỡ trong quá trình sưu tầm tài liệu, lập phương án bảo tồn các nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhấn mạnh rằng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội - chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công... phải đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, chất lượng của dự án. |
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo trên, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định: Trong thời gian chuẩn bị thực hiện dự án, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Việt Nam, của PRX, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành Thành phố. Thay mặt quận Hoàn Kiếm, tôi cảm ơn Cục Di sản Văn hóa, UBND Thành phố Hà Nội, các Sở, ngành Thành phố Hà Nội, các chuyên gia và Giám đốc PRX Emmanuel Cerise đã luôn đồng hành cùng quận Hoàn Kiếm. Tôi cũng đề nghị Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội - chủ đầu tư dự án và các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát dự án đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng, an toàn.
Quận tin tưởng với kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và sự nỗ lực cao của các đơn vị tham gia, dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.