Cùng với các tỉnh ĐBSCL, Tiền Giang sỡ hữu một tiềm năng du lịch hết sức phong phú, với các sản phẩm đậm đặc bản sắc Nam bộ, gắn bó mật thiết với sông nước, sinh thái miệt vườn, đờn ca tài tử, làng nghề truyền thống… . Do vị trí địa lí thuận lợi, nằm cách TP.HCM hơn 1 giờ chạy xe, Tiền Giang còn thuận lợi hơn trong thu hút du khách. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành công nghiệp không khói tại địa phương vẫn chưa tương xứng tiềm năng.
Nhiều tiểu dự án Khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng Thới Sơn còn dang dở nhưng nhà đầu tư đã tạm ngưng thi công hơn một năm nay |
Có quá nhiều nghịch khiến Tiền Giang đang dần đánh mất hình ảnh một miền đất du lịch đặc sắc…
Từ nhiều năm nay cồn Thới Sơn đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang, mỗi năm đón hàng nghìn du khách. Thế nhưng, thời gian gần đây, không ít du khách sau khi tham quan các điểm du lịch vườn sinh thái tỏ ra không hài lòng, nhiều người còn nói thẳng “sẽ không trở lại”.
Du khách đến với Tiền Giang được các công ty lữ hành tổ chức tour tham quan các điểm du lịch sinh thái ở Cồn Thới Sơn. Tùy theo túi tiền mà đơn vị lữ hành sẽ tổ chức tham quan nhiều hay ít điểm. Khách cứ nghĩ đến miệt vườn sẽ được thưởng thức những vườn cây trái sum xuê, nhưng… ngược lại. Chỉ sau vài phút ngồi thuyền, đã đến Cồn Thới Sơn. Khi vừa bước lên bờ, một ngôi chợ bán hàng lưu niệm đúng nghĩa miệt vườn hiện ra trước mặt du khách. Hàng trăm người bán hàng chèo kéo du khách mua những sản phẩm lưu niệm ở đâu cũng có.
Sau khi tham quan một vài điểm bán mật ong, cơ sở sản xuất kẹo dừa thủ công, du khách được đưa đến vườn cây trái. Nói vườn cây trái nhưng thực tế chỉ có cây mà không thấy trái đâu. Tại vườn nhà, du khách được gia chủ mời thưởng thức vài loại trái cây mua về từ chợ. Sau khi ăn trái cây, du khách muốn nghe đờn ca tài tử thì tự “bo”. Hành trình tiếp theo của du khách là đi về phía sau vườn, gặp đội quân thuyền chèo, lên thuyền đi lòng vòng trong con rạch nhỏ khoảng 15 phút để ra rạch lớn, trở về thuyền và trở lại Mỹ Tho.
Du khách đến với Tiền Giang tham quan các khu sinh thái miệt vườn đều phải xuất phát từ bến tàu du lịch Tiền Giang. Tại đây có một tòa nhà Trung tâm lữ hành. Hiện bên trong trung tâm này có 26 công ty đặt văn phòng thì có đến 25 công ty lữ hành, điều hành tổ chức tour. Đông đúc nhưng cũng chỉ có vài đơn vị chuyên nghiệp, cho nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra hết sức nhức nhối, thậm chí có cả một “đội quân cò khách du lịch”.
Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Tiền Giang thừa nhận, du lịch lữ hành hiện nay rơi vào vòng lẩn quẩn. “Việc cần làm hiện nay là phải có “đầu tàu”, kéo các doanh nghiệp tổ chức lữ hành lại với nhau, thống nhất giá cả, cách phục vụ du khách, từ đó chất lượng sản phẩm du lịch mới được nâng lên” – ông Thành nói.
Muốn đầu tư cũng khó
Thực tế cho thấy, ngành du lịch Tiền Giang đang đang rất cần những nhà đầu tư “có tầm” để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện đại hóa ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương. Thời gian qua, không phải không có nhà đầu tư lớn đến với Tiền Giang, tuy nhiên đáng tiếc rằng vì nhiều lý do mà có những dự án hàng triệu USD vẫn dang dở, tiền của, tâm huyết phơi sương phơi nắng..
Theo báo cáo của Trung tâm xúc tiến ĐT-TM-DL Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có 68 dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, riêng lĩnh vực du lịch, hạ tầng du lịch có 8 dự án, dự kiến cần nguồn vốn lên đến 1.250 tỉ đồng. Đến nay đã có hai dự án đã và đang triển khai là Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Thới Sơn (còn gọi tắt khu du lịch Thới Sơn) và Khu du lịch biển Hàng Dương Tân Thành.
Khu du lịch Thới Sơn là dự án có qui mô lớn nhất với số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng, được biết, ông Hoàng Kiều (Chủ tịch tập đòan RAAS) đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư từ năm 2006. Thế nhưng, thật đáng tiếc, đang trong quá trình đầu tư xây dựng thì từ tháng 6/2011, dự án buộc phải tạm ngưng, cho đến nay các hạng mục công trình vẫn đang ngôn ngang, hết sức lãng phí.
Vì sao xảy ra chuyện này ? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dư luận về quá trình cổ phần hóa Cty du lịch Tiền Giang đã ảnh hưởng đến thương hiệu Tập đòan RAAS và uy tín của ông Hòang Kiều, nên ông quyết định tạm ngưng đầu tư và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ. Đến nay, Thanh tra tỉnh đã có kết luận chính thức mà không hề nêu được nhà đầu tư có lỗi gì.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đòan Văn Phương (từng giữ chức vụ Phó giám đốc Cty Du lịch Tiền Giang) cho biết: “Không thể nói việc cổ phần công ty là bán rẻ DN. Lúc đầu cổ phần hóa công ty (khoảng năm 2003), giá chỉ có 10.000 đồng/cồ phần nhưng không ai quan tâm nên rất khó bán, kể cả vận động nhân viên, nhiều người cũng lắc đầu.
Một số nhân viên mua nhưng cũng chỉ mua giùm cho người khác, còn nhà đầu tư trong tỉnh thì không quan tâm. Bởi vậy, khi bán đầu giá đợt 1, chỉ có 3 nhà đầu tư ở TP.HCM tham gia. Sau một năm, nhà đầu tư mua vào không thấy có lợi nên quyết định bán lại và ông Hòang Kiều quyết định mua để đầu tư. Tôi nghĩ, nếu ông Hòang Kiều mua từ đầu thì lời to rồi. Rõ ràng khi ông Hòang Kiều mua cổ phần là từ năm 2006, trong khi việc thẩm định tài sản là từ trước đó và ông Hòang Kiều cũng chỉ là người mua lại của nhà đầu tư khác. Vì vậy, không thể nói ông Hòang Kiều mua giá rẻ được”.
Ông Trần Thanh Phương, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch Tiền Giang nói: “Cần phải hiểu đúng sự việc. Định giá DN ban đầu là 7 tỉ nhưng đến khi Tập đòan RAAS mua lại cổ phần thì giá đã lên đến 37 tỉ đồng rồi, cao gấn hơn 5 lần lúc giá ban đầu, mà nói thật đó chỉ là những tài sản đã quá xuống cấp, cũ kỹ, đất thì vẫn là đất nhà nước, chúng tôi chỉ thuê và trả tiền theo khung giá qui định”.
Theo số liệu báo cáo từ Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang, năm 2011, Tiền Giang thu hút 1.082.811 lượt du khách. Trong đó có 405.284 lượt khách (306.817 khách Quốc tế và 98.467 khách nội địa) qua bến tàu du lịch để đến thăm quan các điểm du lịch ở Cồn Thới Sơn. |
Nhóm PV