Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông 2017, VNPT đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm công nghệ phục vụ “nền kinh tế số” do mình tự sản xuất như: SmartBox 2, SmartBox PC, smartphone Vivas Lotus S3 LTE,… và đặc biệt là nền tảng IoT Smart Connected Platform (SCP) cùng các ứng dụng, giải pháp được phát triển trên đó như Connected Agriculture, Connected Car, Connected Bus |
Cùng với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, khái niệm nền kinh tế số đang diễn ra trên toàn thế giới, trở thành nhân tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.
Điểm mấu chốt của nền kinh tế số là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Vì vậy, trong nền kinh tế số hạ tầng viễn thông - CNTT đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Là một trong những doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực VT-CNTT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư một hạ tầng mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông 2017 vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, VNPT một lần nữa khẳng định vai trò của mình trong việc thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, trong hai năm trở lại đây, VNPT đã đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng mạng lưới. Hạ tầng băng rộng cố định của VNPT đã phủ sóng cả nước, trong đó cáp quang của VNPT đã có mặt tại 97% số xã trên cả nước. Đường truyền tốc độ cao của VNPT tại Việt Nam đã lên đến gần 6TB và đi quốc tế khoảng 2TB. Sắp tới VNPT cũng sẽ đưa vào sử dụng thêm các tuyến cáp mới để đảm bảo hạ tầng truyền dẫn kết nối phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế số.
VNPT hiện là doanh nghiệp sở hữu hạ tầng VT-CNTT đầy đủ nhất tại Việt Nam, từ mạng lưới vệ tinh, di động tới mạng internet, cố định. VNPT đang có gần 60.000 trạm thu phát sóng di động các loại, trong đó phần lớn là 3G và 4G. Hiện VNPT vẫn đang tiếp tục đầu tư không ngừng bổ sung thêm các trạm thu phát sóng 4G mới. Theo kế hoạch, riêng trong năm 2017 VNPT sẽ lắp khoảng 21.000 trạm 4G mới để cung cấp dịch vụ tới tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước, đưa internet băng rộng di động trở thành một dịch vụ cơ bản với mọi người dân.
Dù mới bắt đầu triển khai 4G trên diện rộng song với VNPT cũng đã bắt đầu tiếp cận với thế hệ công nghệ di động mới nhất hiện nay - 5G để sẵn sàng triển khai khi thời cơ chín muồi.
Sau hai năm chuyển hướng đẩy mạnh phát triển mảng CNTT, hiện VNPT đã xây dựng rất nhiều giải pháp trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp, du lịch… Nhiều giải pháp đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và được triển khai rộng khắp cả nước. Hiện VNPT đang cùng với các doanh nghiệp CNTT khác như FPT, Viettel… xây dựng các giải pháp ứng dụng CNTT cho tất cả các lĩnh vực khác của đời sống như nông nghiệp, giao thông…, để tất cả các doanh nghiệp có đầy đủ công cụ thực hiện việc chuyển đổi này.
Mặt khác VNPT cũng không ngừng thiết lập các hạ tầng viễn thông hiện đại (big data, điện toán đám mây), các nền tảng dịch vụ (platform) để cung cấp công cụ cho các doanh nghiệp nhỏ, start up xây dựng các ứng dụng phục vụ xã hội, cộng đồng trên đó. Nền tảng Kết nối thông minh (SCP) là một trong số đó và đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng để phát triển các ứng dụng về Y tế, Giao thông, Nông nghiệp, Điện lực… VNPT sẵn sàng chia sẻ và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các hạ tầng, nền tảng này.
Với các sản phẩm VNPT đang cung cấp cho chính quyền, cho các doanh nghiệp lớn, VNPT luôn có định hướng để khách hàng có được một mô hình, lộ trình chuyển đổi số cụ thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh hơn.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, VNPT đã ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với IBM Việt Nam thúc đẩy phát triển Smart city và các công nghệ mới và tham gia triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp VT-CNTT phục vụ cho nền kinh tế số.