Tham dự Tọa đàm có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp và ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tạo đồng thuận xã hội
Tại Tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên cho biết, Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2022 - 2027” được phê duyệt trong bối cảnh đất nước ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, với một trong những trụ cột là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… Trong đó, việc người dân được tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý xã hội là một trong những yêu cầu tất yếu.
Với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Hoạt động trên được tiến hành song song, đồng thời, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL theo quy định hiện hành mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả.
Việc tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng VBQPPL nhằm tạo các kênh thông tin rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo. Điều này giúp cơ quan chủ trì soạn thảo nắm bắt được những ý kiến, nguyện vọng của đối tượng chịu sự tác động của văn bản và người dân để làm cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản.
Qua đó nâng cao chất lượng, tính khả thi của VBQPPL, tạo đồng thuận xã hội; tránh việc văn bản trình Quốc hội nhưng không được thông qua hoặc thông qua rồi nhưng lại xuất hiện ý kiến trái chiều trong dư luận nên lại phải sửa đổi, bổ sung. Từ đó góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Qua hơn 6 tháng thực hiện Đề án, trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2022, một số bộ chủ trì soạn thảo đã ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông riêng cho từng dự án luật, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ này đã ban hành Kế hoạch truyền thông dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; sản xuất các ấn phẩm truyền thông (phim, phóng sự, inforgrapphic…) và tổ chức triển khai truyền thông về dự thảo Luật thông qua các hình thức truyền thông như: tổ chức tọa đàm trên VTV1, các hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Luật; xây dựng, vận hành Chuyên mục “Tuyên truyền sửa đổi Luật Đất đai” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ…
Giải pháp để Luật sớm đi vào cuộc sống
Chia sẻ về việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Tuyến cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn tích cực mời các bộ, ngành trao đổi về các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để thống nhất, đưa vào dự thảo. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về những vấn đề dư luận quan tâm như: đấu giá, đấu thầu, giá đất…
Theo ông Tuyến, khi dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện ngay việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục truyền thông những nội dung mới của Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL…
Để việc truyền thông dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nói riêng và các dự thảo chính sách pháp luật nói chung có hiệu quả, ông Phan Hồng Nguyên cho rằng cần chú trọng tới công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, Bộ Tư pháp trong theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương ban hành và thực hiện Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở Trung ương, địa phương, báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, sở, ngành địa phương và tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Đề án.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương bố trí công chức chuyên trách làm nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách; bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.
Công tác truyền thông dự thảo chính sách không phải là nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành Tư pháp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.