Phải nói rằng, thị trường bất động sản (BĐS) luôn nóng, là nơi “chôn tiền”, nơi sinh lời; hấp dẫn không chỉ các doanh nghiệp BĐS mà với tất cả những ai có tiền trong xã hội. Ngoài quy luật “người sinh, đất không đẻ”, hiện trạng BĐS biến ảo từ có lý đến vô lý, có nguyên nhân từ luật pháp, chính sách.
Ai cũng đều nhận ra, thị trường BĐS, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này có nguyên nhân từ chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Chưa xử lý triệt để tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh giữa các địa phương. Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất…
Đối với Nhà nước, với tư cách là “hệ thống”, năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện. Chúng ta phải thừa nhận với nhau, “Lợi ích nhóm” trong lĩnh vực đất đai ngày càng phát triển. Món lợi béo bở từ đất đai đã và đang làm tha hóa không ít cá nhân, tổ chức; chính họ đang hàng ngày lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Rất khó để kêu gọi đạo đức, liêm chính trước món lợi béo bở mà BĐS mang lại.
Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; đơn, thư tố cáo về đất đai có xu hướng tăng; nhiều vụ việc chậm được xử lý, giải quyết, gây bức xúc xã hội.
Nghị quyết số 18 – NQ/TƯ đề ra mục tiêu: đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại. Đồng thời nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên. Trong đó có việc hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Hy vọng, thực tiễn là thước đo của chính sách, luật pháp.